(HNM) - Có những lúc đã ở trong tầm tay nhưng cũng có khi tưởng như trượt khỏi tầm với, quá trình 5 năm đàm phán sâu rộng với những bài toán hơn thua, được mất, bất đồng giữa tự do và bảo hộ, tranh cãi và thỏa hiệp đã mang đến một kết quả mỹ mãn.
Sự ra đời của thỏa thuận thương mại rộng lớn mà bản thân tên gọi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chứa đựng sự kỳ vọng và định hình một Châu Á mới mẻ, trong đó có Việt Nam, ổn định, phồn thịnh và liên kết chặt chẽ.
Hành trình gian nan
Bằng việc kết nối những nền kinh tế nhỏ bên cạnh hai trụ cột chính là Mỹ và Nhật Bản, TPP được ví như một hiệp định của thế kỷ XXI khi đặt ra những quy chuẩn thương mại của một giai đoạn mới, tác động toàn diện đến mọi phương diện kinh tế của các quốc gia thành viên từ miễn thuế xuất khẩu hàng hóa đến việc sản xuất, lưu thông một viên thuốc kháng sinh. Vì vậy, vượt qua sự chênh lệch về khoảng cách phát triển, bỏ lại phía sau những bất đồng, 12 thành viên TPP đã cùng tạo nên một thời khắc lịch sử cho tương lai của đất nước mình trong sự thịnh vượng chung của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Hình thành một thị trường tự do với 800 triệu dân, chiếm 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu, TPP sở hữu một sức hấp dẫn mà chưa một hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương từng được ký kết nào có được. Từ các nhà lãnh đạo đến những chuyên gia kinh tế kỳ cựu đều nhìn thấy những lợi ích khổng lồ mà thỏa thuận bước ngoặt này mang lại.
Tham gia đàm phán TPP từ năm 2009 với tư cách thành viên liên kết, Việt Nam đã tích cực để trở thành một đối tác chính thức vào năm 2010. Từ thời điểm đó đến nay, mục tiêu cùng với các quốc gia khác hoàn tất quá trình đàm phán là một chính sách thông suốt và không thay đổi của Đảng và Nhà nước ta. Việc đàm phán TPP cũng được xem là trọng tâm trong quan hệ đối tác của Việt Nam với nhiều quốc gia tham dự. Dù là một nền kinh tế nhỏ, Việt Nam được đánh giá là một thành viên có tính xây dựng, lạc quan và luôn dành nhiều nỗ lực đóng góp cho thành quả chung. Việt Nam cũng được nhiều chuyên gia kinh tế thế giới nhắc tới như một hình mẫu sẽ được hưởng nhiều "trái ngọt" mà hiệp định mang lại, ít nhất trên khía cạnh có sự cân nhắc giữa hơn và thiệt. Không giống như một số thành viên khác, Việt Nam đang trong quá trình phát triển và hình thành những mũi nhọn kinh tế. Song, chính yếu tố tưởng như rất bất lợi này lại giúp Việt Nam giảm nhẹ được tác động của những cú "va đập" nảy lửa từ quá trình gỡ bỏ hàng rào thuế quan và "mở rộng cửa nhà" cho hàng hóa của các đối tác vốn là tâm điểm của những tranh luận gay gắt giữa những thành viên TPP thời gian qua. Ngược lại, việc được cấp quyền tiếp cận một thị trường rộng lớn hai bờ Thái Bình Dương là thời cơ có một không hai với một nền kinh tế hướng tới xuất khẩu như Việt Nam. Khi cánh cửa của những "ông lớn" khó tính và khắt khe như Mỹ, Canada được mở ra tối đa bởi chiếc chìa khóa TPP, triển vọng cho hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là những thế mạnh như dệt may, thủy sản, da giày… là đầy hứa hẹn.
Thời cơ mớiTheo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, TPP là động lực mạnh mẽ kích thích hoạt động sản xuất, thương mại đối với một thị trường mở. Hiện tại, các quốc gia trong TPP đang đóng góp 40% tổng GDP toàn cầu, là thị trường lớn nhất thế giới.
Đặc biệt, người ta kỳ vọng nhiều vào vai trò đầu tàu, với sức mạnh kinh tế tổng hợp cũng như dung lượng thị trường khổng lồ của hai thành viên TPP là Mỹ và Nhật Bản. Hai quốc gia này cùng với một số nước khác như New Zealand, Australia, Mexico, Singapore… sẽ là những thị trường đầy hấp dẫn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Hơn thế, các quy định của TPP đáp ứng yêu cầu giao lưu thương mại theo tiêu chuẩn cao, toàn diện; tôn trọng môi trường và những cam kết về lao động và đối xử công bằng. Đồng thời, những quy định này sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.
Tuy nhiên, tác động lớn nhất mà TPP mang lại là sự xác lập một thị trường minh bạch, với điều kiện tiên quyết là cắt giảm thuế suất đối với phần lớn hàng hóa và từng bước giảm xuống mức 0% ở các nước thành viên. Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, từ nay đến năm 2030, GDP Việt Nam sẽ tăng khoảng 8-10%, thậm chí còn cao hơn nếu tận dụng được nhiều cơ hội, trong đó, phần lớn lợi ích có được thông qua hoạt động xuất khẩu. Đơn cử, GDP có thể tăng thêm hơn 35 tỷ USD vào năm 2025 chủ yếu thông qua xuất khẩu hàng dệt may, nông sản, thủy sản… nhờ được hưởng thuế suất thấp hoặc bằng 0%. Từ đó, DN có cơ hội đầu tư cho sản xuất, tạo ra nhiều việc làm, tham gia an sinh xã hội. Tuy nhiên, con đường phía trước không bằng phẳng đối với DN Việt Nam. Theo Bộ Công thương, TPP sẽ tạo ra sức ép về mở cửa thị trường, cạnh tranh đối với DN Việt Nam. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, nhiều ngành sản xuất và dịch vụ sẽ gặp khó khăn. Phần lớn DN nội có quy mô nhỏ, vận hành theo công nghệ cũ, thiếu khả năng áp dụng theo dây chuyền nên hạn chế về năng suất cũng như thiếu đồng đều về chất lượng. Đơn cử, thịt bò, lợn và gia cầm trong nước sẽ phải thi đấu không cân sức với sản phẩm nhập từ Nhật Bản, Mỹ hoặc Australia vốn nổi tiếng ngon, giá cả phải chăng…
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội nhận định, mở rộng quy mô xuất khẩu là lợi thế lớn nhất cho DN nhưng thương mại nội địa sẽ gặp khó. Đến nay, DN còn lỏng lẻo trong kết nối giữa sản xuất với nhau và với phân phối; nhiều bất cập như chi phí quản lý (kể cả chi phí không chính thức), năng lượng cao, chất lượng nhân lực yếu, khả năng quản trị kém làm đội giá thành của thành phẩm. Các siêu thị sẽ đứng trước các đơn chào hàng từ nhà cung cấp đến từ nhiều nước, xuất xứ khác nhau theo xu hướng đa dạng, phong phú về chủng loại, mẫu mã và giá cả. Nhiều DN nội phải gồng mình chống đỡ hoặc chấp nhận kết cục thất bại. Chỉ một đối tượng được hưởng lợi là người tiêu dùng, với nhiều sự lựa chọn hơn trong một thị trường mở, có sự cạnh tranh cao. Các chuyên gia cũng cảnh báo, tình trạng DN gặp khó khăn, dẫn tới phá sản hoàn toàn có thể xảy ra. Riêng đối với các DN đang hoạt động theo hướng độc quyền (hoặc một phần) thuộc Nhà nước như ngành điện, nước, xăng dầu và một số dịch vụ công ích càng đứng trước yêu cầu cải cách, tái cơ cấu để đáp ứng cách "chơi" mới. Những đơn vị này phải "lột xác", để đáp ứng sự minh bạch thông tin, sổ sách kế toán, kiểm toán, tình trạng tài chính (lỗ hay lãi)… để có thể nhận được sự tin tưởng, sẵn sàng hợp tác từ phía DN dân doanh hoặc đầu tư nước ngoài.
Theo TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế TƯ, gia nhập TPP là cơ hội thực hiện cải cách, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng trên cơ sở sàng lọc, giữ lại những DN biết tìm hướng đi, đủ năng lực sáng tạo và nỗ lực đứng vững trên thương trường. Đặc biệt, đây cũng là cơ hội để Chính phủ hiện thực hóa các mục tiêu kinh tế, tạo dựng và bảo đảm những điều kiện của nền kinh tế thị trường đầy đủ để tìm chỗ đứng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Việt Nam tham gia TPP tất nhiên sẽ phải chịu sức ép, nhưng là cần thiết để nâng cao chất lượng nền kinh tế và phát triển bền vững. Cơ quan quản lý cũng cần có biện pháp phù hợp để bảo hộ hàng hóa trong nước bằng rào cản kỹ thuật. Nếu chậm đưa ra rào cản hoặc có nhưng không hiệu quả thì không thể tiếp sức cho DN. Cũng cần lưu ý, quy tắc xuất xứ hàng hóa trong TPP yêu cầu các sản phẩm xuất khẩu từ một thành viên TPP sang các thành viên khác phải có xuất xứ nội khối, tức là không sử dụng nguyên liệu của nước thứ ba ngoài TPP mới được hưởng thuế suất 0%. Đây cũng là bất lợi cho DN Việt Nam khi chưa làm chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào hoặc phụ thuộc vào nhập khẩu từ các nước ngoài TPP.