Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiện thực hóa ước nguyện của Người

Nhóm PV Nội chính - Xây dựng Đảng| 15/09/2014 06:02

(HNM) - Không chỉ là một nhà chính trị lỗi lạc, một Anh hùng giải phóng dân tộc vĩ đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là Danh nhân văn hóa kiệt xuất của dân tộc và cả nhân loại, là vị lãnh tụ giàu lòng bác ái, hết lòng yêu thương con người, luôn quan tâm chăm lo cho nhân dân.



Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người đã sớm đưa ra những quan điểm về xây dựng nền văn hóa mới và con người mới Việt Nam. Ngay cả trước lúc đi xa, Người vẫn đau đáu hai vấn đề: Phát triển văn hóa và xây dựng con người mới...

Vừa là động lực, vừa là mục tiêu của cách mạng

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Đáng chú ý là nguyên văn câu trích dẫn trên cũng có trong bản Di chúc viết lần đầu năm 1965 - “Tuyệt đối bí mật Nhân dịp mừng 75 tuổi”. Có thể thấy, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa và phát triển văn hóa luôn có tầm quan trọng ngang với kinh tế và phát triển kinh tế. Kinh tế nâng cao đời sống vật chất, còn văn hóa có tác dụng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Hai vấn đề này liên kết biện chứng, gắn bó mật thiết với nhau trong đời sống xã hội.

Như đã nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nhà chính trị, Anh hùng giải phóng dân tộc vĩ đại mà Người còn là nhà văn hóa kiệt xuất. Con đường hình thành Danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh là một con đường hiếm thấy, vừa kết hợp nghiên cứu lý luận với thực tiễn đời sống nhân dân, vừa kế thừa, phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc với những tinh hoa văn hóa nhân loại. Ngay từ tháng 8-1943, Hồ Chí Minh đã đưa ra quan niệm về văn hóa như sau: “Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu của đời sống và đòi hỏi của tâm hồn”. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người sớm đưa ra những quan điểm xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa tạo nên sức mạnh để chiến thắng giặc ngoại xâm theo tinh thần “văn minh chống bạo tàn”; văn hóa có tác dụng “sửa đổi tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, sửa xã hội cũ, xây xã hội mới”. Vì vậy, Người khẳng định “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, “phải đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường dân tộc”. Để cụ thể hóa quan điểm này, ngay từ những ngày đầu xây dựng Nhà nước cách mạng non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định ngoài nhiệm vụ đánh thắng giặc ngoại xâm thì còn phải tiêu diệt hai kẻ thù lớn nữa của dân tộc là “giặc đói” và “giặc dốt”. Người nhấn mạnh: “Phải xúc tiến công tác văn hóa để đào tạo con người mới và cán bộ mới cho công cuộc kháng chiến kiến quốc”.

Để văn hóa có thể trở thành sức mạnh làm nên thắng lợi trong kháng chiến kiến quốc, giành độc lập tự do cho dân tộc, hòa bình thống nhất cho đất nước, Người căn dặn: “Văn hóa cũng là một mặt trận. Anh chị em là những chiến sĩ trên mặt trận ấy”, “Để làm tròn nhiệm vụ, chiến sĩ nghệ thuật cần có lập trường vững, tư tưởng đúng. Nói tóm tắt là phải đặt lợi ích của kháng chiến, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết”.

Đứng trên quan điểm văn hóa là những giá trị do con người sáng tạo ra và nhiệm vụ cơ bản của văn hóa là xây dựng con người toàn diện, có đạo đức, có sức khỏe, có trí tuệ, có văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng việc xây dựng, phát triển văn hóa mới để xây dựng con người mới vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự nghiệp cách mạng. Vì thế, Người căn dặn: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Cũng xuất phát từ thế giới quan, nhân sinh quan vì con người, thôi thúc hành động vì con người mà trong bản Di chúc Người dành nội dung dài nhất để viết về công việc đối với con người, chỉ ra rất nhiều việc phải làm để mang lại lợi ích cụ thể, chính đáng cho các tầng lớp nhân dân.

Sáng mãi tư tưởng của Người

Trong cuốn “Văn hóa và đổi mới”, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho rằng: “Đổi mới và văn hóa quan hệ mật thiết với tư tưởng Hồ Chí Minh như hình với bóng”.

Những tư tưởng của Hồ Chí Minh về văn hóa và con người mới đã dần dần được quán triệt trong các quan điểm, đường lối văn hóa của Đảng, kể từ Đề cương văn hóa năm 1943, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII, năm 1998) và trong Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) vừa qua.

Phải khẳng định rằng, việc triển khai những quan điểm, tư tưởng cơ bản cùng các chính sách về văn hóa trước đây đã góp phần tạo nên những thành tựu đáng kể về phát triển văn hóa, phát triển con người trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, với việc triển khai Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, văn hóa được chú trọng, phát huy bằng mọi nguồn lực đầu tư và có sự gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng Đảng. Vai trò của văn hóa còn mang giá trị động lực trong phát triển đời sống kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và là yếu tố cần thiết trong xây dựng con người Việt Nam mới xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 còn những khó khăn, thử thách không nhỏ, cụ thể như kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp; lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế, chậm được khắc phục; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tội phạm, tệ nạn xã hội, suy thoái đạo đức, lối sống chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, là nguyên nhân tiềm ẩn gây mất ổn định chính trị - xã hội... Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, thực tế đó đòi hỏi phải được bổ sung, hoàn thiện những quan điểm chỉ đạo và chủ trương, giải pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục những bất cập nêu trên, phù hợp với nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa, xây dựng con người trong tình hình mới.

Trung thành với tư tưởng Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” vừa được ban hành đã khẳng định xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Văn kiện chỉ rõ: Nhiệm vụ trung tâm của sự nghiệp văn hóa là bồi dưỡng con người Việt Nam về trí tuệ, bản lĩnh, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, nhân cách; xây dựng thế giới quan khoa học, nhân sinh quan xã hội chủ nghĩa, hướng con người tới những giá trị chân - thiện - mỹ, có tinh thần yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội, có ý thức tự cường dân tộc...

Nghị quyết Trung ương 9 được xem là “cương lĩnh mới” của Đảng trong lĩnh vực phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam mới có đủ phẩm chất, năng lực để đưa dân tộc Việt Nam sánh vai các cường quốc năm châu. Và nhiệm vụ quan trọng đặt ra đối với mỗi cán bộ, đảng viên là phải nghiêm túc học tập, quán triệt, triển khai đúng tinh thần nghị quyết nhằm góp phần hiện thực hóa ước nguyện của Người lúc sinh thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiện thực hóa ước nguyện của Người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.