Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiểm họa lớn từ chiếc túi nhỏ

Tuấn Lương| 17/10/2011 07:07

(HNM) - Theo quy định của Luật Thuế môi trường, có hiệu lực từ ngày 1-1-2012, túi nilông sẽ là một trong những đối tượng bị đánh thuế môi trường cao nhất.


Sử dụng túi thân thiện với môi trường đóng gói cho khách hàng tại siêu thị Hapromart.      Ảnh: Quang Xuân

Từ nhiều năm qua, túi nilông đã trở thành vật dụng quen thuộc và khá được ưa chuộng trong đời sống hằng ngày. Khi mua bất kỳ đồ vật gì, người mua luôn được phục vụ túi nilông để bọc, gói, đựng, lót. Từ mớ rau, con cá cho đến sách, vở, thuốc men… tất tần tật đều có thể được đựng bằng túi nilông… Lợi ích là vậy, nhưng con người đang dần nhận ra thảm họa của vật dụng nhỏ này. Để vứt bỏ một túi nilông chỉ tốn một vài giây, nhưng nếu không có sự tác động bởi nhiệt độ cao của ánh sáng mặt trời phải mất 500-1.000 năm mới có thể phân hủy được. Ngoài một số ít được thu gom, tái chế, số khá lớn còn lại thường bị thải loại vô ý thức ra môi trường, xuống sông hồ, cống, rãnh, kênh, rạch. Túi nilông lẫn vào đất ngăn cản oxy đi qua đất, làm chậm sự tăng trưởng của cây trồng, gây xói mòn đất. Túi nilông lọt xuống cống, rãnh, kênh, rạch sẽ làm tắc nghẽn gây ngập úng…

Theo Luật Thuế môi trường, túi nilông là một trong những đối tượng bị đánh thuế môi trường cao nhất, ở mức 150-170%, tức khoảng 30.000-50.000 đồng/kg. Cũng đã có nhiều ý kiến tranh cãi cho rằng việc đánh thuế môi trường lên các sản phẩm không thân thiện môi trường cộng với tình hình lạm phát, nguyên liệu sản xuất "leo thang" chóng mặt sẽ tạo nên những áp lực lớn cho DN. Chắc chắn để bảo đảm tồn tại và sản xuất phải có lời thì DN buộc phải tăng giá sản phẩm và tìm cách đưa thuế môi trường mà đáng lẽ họ phải chịu vào trong giá bán hàng. Người mua hàng sẽ trở thành người phải chịu thuế và như vậy mục tiêu giảm sản xuất, tiêu thụ túi nilông không thân thiện với môi trường của Nhà nước không đạt được kết quả như mong muốn.

Tuy nhiên, PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường cho rằng, đánh thuế các sản phẩm túi nilông không thân thiện với môi trường là quyết định đúng. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận một thực tế sẽ gây khó khăn cho quá trình thực thi. Cụ thể, giá thành túi nilông dù đã được đánh thuế nhưng vẫn còn khá rẻ. Hiện nay, giá 1kg túi nilông chỉ khoảng vài chục nghìn đồng. Dù có chịu thuế cao, giá 1kg cũng chỉ hơn 100.000 đồng. Các DN vẫn sẽ lựa chọn túi nilông thay vì đầu tư dây chuyền sản xuất hoặc mua các loại túi nhựa bảo đảm tiêu chí về môi trường. Do đó, bên cạnh việc đánh thuế bảo vệ môi trường với túi nilông, Nhà nước vẫn cần có thêm nhiều cơ chế khuyến khích DN tìm tòi, đầu tư, sản xuất ra nhiều hơn nữa các sản phẩm thân thiện với môi trường. Đặc biệt, với người dân, công tác tuyên truyền, vận động không sử dụng túi nilông không thân thiện với môi trường phải được tiến hành thường xuyên, lâu dài.

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến cho rằng, Bộ cũng đã cân nhắc kỹ các nội dung cũng như nhóm sản phẩm để từ đó có những giải pháp thích hợp nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường. Việc đánh thuế túi nilông không thân thiện với môi trường cũng nằm trong lộ trình của các cơ quan chức năng nhằm đưa sản phẩm nguy hại này ra khỏi đời sống xã hội.

Ngoài túi nilông, Bộ đang trình Chính phủ phê duyệt quy định buộc DN sản xuất, nhập khẩu phải tham gia vào hoạt động thu hồi, xử lý với 8 nhóm sản phẩm đã hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ, gồm các loại ắcquy, các loại pin; bóng đèn compact và huỳnh quang; máy vi tính; máy in, fax, scaner; máy photocopy; điện thoại di động; tivi, đầu đĩa DVD, VCD, CD và các loại đầu đọc đĩa khác. Nếu được thông qua, các cơ sở sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm thuộc 8 nhóm nói trên phải kê khai lượng hàng hóa đưa ra thị trường và có trách nhiệm trực tiếp thu hồi, xử lý hoặc ủy nhiệm cho tổ chức, cá nhân khác có chức năng thu hồi, xử lý với những sản phẩm thải bỏ hoặc đã hết hạn sử dụng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hiểm họa lớn từ chiếc túi nhỏ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.