(HNM) - Nhiều ý kiến cho rằng, với những bất cập trong quản lý nhà nước về giao thông đường sắt hiện nay, việc kiềm chế TNGT là một thách thức.
Đường ngang có người gác là giải pháp hữu hiệu để kiềm chế tai nạn giao thông đường sắt. Ảnh: Nguyệt Ánh |
Theo thống kê của Ban An toàn giao thông (ATGT) đường sắt (Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam), 6 tháng đầu năm 2013 đã xảy ra 198 vụ tai nạn đường sắt (có 78 vụ nghiêm trọng) làm 84 người chết, 127 người bị thương. Trong đó, số vụ ô tô va chạm với tàu hỏa lên đến hơn 40, làm 8 người chết và 12 người bị thương. Mới đây nhất, ngày 10-7, trên tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng (đoạn thuộc tỉnh Hải Dương) đã xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng giữa đoàn tàu khách LP5 chạy hướng Hà Nội - Hải Phòng với xe container BKS 16M - 0021 kéo theo rơ moóc mang BKS 16R-3402 của Công ty Vận tải Minh Phương. Vụ va chạm khiến xe container bị lật xuống một hố sâu bên đường, 3 toa tàu cũng bị lật, đầu tàu đổ quay ngang, làm ách tắc giao thông trong nhiều giờ. Lái tàu bị thương nhẹ, rất may là toàn bộ hành khách an toàn. Ngành đường sắt đã phải hủy các chuyến tàu LP5 tại ga Tiền Trung, tàu LP7 tại ga Hải Dương; điều động nhân lực, phương tiện tới hiện trường để khắc phục hậu quả.
Trưởng ban ATGT đường sắt Phạm Văn Bình cho biết, trung bình mỗi năm, ngành đường sắt phải chi hơn 10 tỷ đồng để khắc phục hậu quả TNGT và sự cố đường sắt. Đó là chưa kể hàng loạt thiệt hại khác khi tàu hỏa gặp sự cố phải bố trí phương tiện luân chuyển hành khách, thay đổi lịch chạy tàu… Đề cập nguyên nhân, ông Phạm Văn Bình chỉ rõ là kết cấu hạ tầng đường sắt còn nhiều bất cập, tồn tại quá nhiều đường ngang dân sinh. Hiện nay, cả nước có 6.000 đường ngang, trong đó chỉ có 1.500 đường ngang hợp pháp (hơn 600 đường ngang có gác, hơn 300 đường ngang có hệ thống cảnh báo tự động, gần 600 có cảnh báo) và 4.500 đường ngang dân sinh không hợp pháp. Ước tính, bình quân cứ 400m đường sắt lại có một đường ngang. Trong khi đó, hệ thống đường rào bảo vệ hành lang an toàn đường sắt còn thiếu và hệ thống đường gom chưa đủ. Đặc biệt, rất nhiều đường sắt, đường bộ chạy song song hoặc liền kề. Điểm giao cắt với đường bộ hẹp; đường ngang có độ dốc quá lớn. Đặc biệt, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không chú ý quan sát, không chấp hành Luật Giao thông đường bộ nên đã gây ra tai nạn. Công tác tuyên truyền, xử lý hành vi vi phạm chưa mạnh, chưa nghiêm khắc, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe cũng là nguyên nhân khiến người tham gia giao thông nhờn luật.
Nhằm từng bước kiềm chế TNGT đường sắt, mới đây Bộ GTVT đã chỉ đạo khẩn trương rà soát lại toàn bộ đường ngang; bổ sung các điều kiện an toàn như biển báo, hệ thống cảnh báo, cắt cử người cảnh giới đường ngang…; phân định rõ trách nhiệm của ngành đường sắt và địa phương trong việc quản lý đường ngang... Riêng với vụ TNGT đường sắt xảy ra ngày 10-7, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Bộ Công an phối hợp với đơn vị liên quan điều tra, xem xét khởi tố các đơn vị, cá nhân vi phạm.
UBND TP Hà Nội cho biết, từ nay đến năm 2015, Hà Nội sẽ cải tạo hạ tầng giao thông tại 20 điểm giao cắt giữa đường ngang với đường sắt nhằm thực hiện mục tiêu giảm ùn tắc và TNGT. Trong số 20 điểm giao cắt cần cải tạo có 18 điểm trên tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy dọc theo quốc lộ 1; hai điểm còn lại nằm trên tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai và tuyến Hà Nội - Thái Nguyên. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.