(HNM) - Những ngày qua, chỉ riêng tại Hà Nội, qua ghi nhận của PV Hànộimới tại nhiều cổng trường học và trên đường phố, lại tái diễn cảnh bố mẹ đội MBH trong khi phần lớn các con không đội MBH.
Tại một số địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ trẻ em đội MBH đã tăng từ 38% lên 68%. Thế nhưng, cũng rất nhanh, những ngày qua, chỉ riêng tại Hà Nội, qua ghi nhận của PV Báo Hànộimới tại nhiều cổng trường học và trên đường phố, lại tái diễn cảnh bố mẹ đội MBH trong khi phần lớn các con không đội MBH.
Chỉ hiệu quả trong đợt ra quân
Còn nhớ vào những ngày toàn quốc tổ chức cao điểm, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật được đẩy mạnh. Tất cả các trường đều tổ chức cho phụ huynh ký cam kết tuân thủ quy định bắt buộc đội MBH cho trẻ em trên 6 tuổi khi tham gia giao thông. Khẩu hiệu "Đội mũ cho con, trọn tình cha mẹ" xuất hiện mọi lúc, mọi nơi. Lãnh đạo ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) còn chỉ đạo lấy đó là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua của các trường. Tại một số cổng trường còn có cả lực lượng CSGT kiểm tra, xử phạt và lực lượng dân phòng phường sở tại, thậm chí là cả bảo vệ của nhà trường cũng tham gia nhắc nhở. Chỉ trong thời gian ngắn từ ngày 4 đến ngày 9-4, tại Hà Nội, ngoài các bài tuyên truyền trên truyền hình, phát thanh, 400 băng rôn, khẩu hiệu đã được treo tại 200 cổng trường trên toàn địa bàn; gần 1.400 cuộc mít tinh, ngoại khóa đã được thực hiện tại các trường tiểu học, THCS, THPT với sự tham gia của gần 120.000 người, hơn 16.000 MBH đã được phát miễn phí cho học sinh trong độ tuổi… Nói một cách cụ thể là cả hệ thống chính trị đã vào cuộc.
Đội mũ bảo hiểm cho trẻ em sẽ hạn chế được những rủi ro đáng tiếc khi tham gia giao thông. Ảnh: Hoàng Anh |
Kết quả sơ bộ, sau hơn 3 tuần đầu tiên triển khai kế hoạch, tỷ lệ trẻ em được cha mẹ đội MBH khi tham gia giao thông bằng xe máy và xe đạp điện đã tăng lên rõ rệt. Lực lượng CSGT đã nhắc nhở 326 lượt người và xử lý 118 lượt vi phạm liên quan đến MBH trẻ em. Đáng chú ý, trong số 9 vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra trên địa bàn khiến 9 người chết và 4 người bị thương, không có trường hợp nào là trẻ em 6-11 tuổi. Đánh giá của các cơ quan chức năng cho thấy, ban đầu đợt cao điểm đã tạo nên sự chuyển biến tích cực trong hành động và ý thức của nhiều bậc phụ huynh. Bà Mirjam Sidik - Tổng Giám đốc điều hành Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á (AIP) - đơn vị hỗ trợ tích cực cho Việt Nam cho rằng, tỷ lệ học sinh đội MBH tăng từ 38% lên 68% tại 3 TP lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh sau đợt cao điểm là một con số có ý nghĩa lớn và thiết thực nhất. Hy vọng, trong các giai đoạn triển khai kế hoạch tiếp theo, tỷ lệ học sinh đội MBH sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Tuy nhiên, chỉ hơn một tháng sau đợt cao điểm, dù chưa có những con số thống kê cụ thể, nhưng cảm nhận là mọi chuyện đang trở lại như xưa… Hầu hết phụ huynh khi được hỏi đều viện lý do vội quá nên quên không đội MBH cho con.
Vẫn mang tính hình thức, đối phó
Chủ trương đúng đắn, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, nhưng tại sao kết quả triển khai chưa cao và chưa bền vững? Trước câu hỏi này, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân do ý thức chủ quan của phụ huynh khi tìm nhiều cách đối phó. Đã có không ít trường hợp khi lực lượng chức năng ra hiệu lệnh dừng xe thì bỏ chạy hoặc cho trẻ em xuống đi bộ để né tránh. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp vi phạm đôi khi gây ảnh hưởng đến thời gian, giờ giấc sinh hoạt, học tập, đặc biệt là khó khăn trong việc xác định độ tuổi của trẻ em. Cụ thể, đối với trường hợp trẻ em dưới 14 tuổi điều khiển xe đạp điện không đội MBH; không có giấy tờ xe, giấy tờ tùy thân dẫn đến khó khăn trong việc xử lý vi phạm.
Ông Ngũ Duy Anh - Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh, phải có hình thức kiểm tra, kiểm điểm đối với học sinh cố tình vi phạm hoặc tái phạm quy định của pháp luật về đội MBH; gắn việc kiểm tra phê bình, đưa vào tiêu chí đánh giá thi đua khen thưởng cuối năm đối với giáo viên chủ nhiệm. Bộ GD&ĐT đề nghị lực lượng công an của các địa phương tiếp tục tập trung tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về chấp hành đội MBH tại các khu vực xung quanh các trường học, sau đó duy trì kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự ATGT đường bộ, trong đó chú ý phát hiện, xử lý vi phạm quy định bắt buộc đội MBH đối với trẻ em trên tất cả các tuyến đường. Các phụ huynh viện các lý do để né tránh, trong khi ngành GD&ĐT dường như muốn quy trách nhiệm cho các giáo viên chủ nhiệm lớp khi có học sinh vi phạm. Đã có rất nhiều thầy, cô giáo bức xúc cho rằng, điều này không phù hợp, bởi nhiệm vụ chính của giáo viên là dạy học. Họ chỉ có thể tuyên truyền và yêu cầu học sinh tuân thủ quy định đội MBH chứ không thể kiểm soát hết việc ngoài đường.
Một vấn đề tưởng đơn giản nhưng lại rất phức tạp là chỗ để MBH khi con đến trường. Nhiều trường học quá chật chội, ngăn bàn của học sinh tiểu học lại nhỏ. Do đó đã dẫn tới tình trạng sáng bố đưa con đi học, chiều mẹ đón, tức là mỗi đứa trẻ phải cần tới hai cái MBH mới không vi phạm.
Chủ trương siết chặt việc đội MBH nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ em khi đến trường là đúng, nhưng có lẽ chính cách làm hơi vội vàng, thiếu sự chuẩn bị đã dẫn tới hiệu quả không cao, để rồi hết cao điểm, người dân lại tái phạm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.