(HNM) - Học sinh đi xe máy khi chưa đủ điều kiện, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, giải quyết mâu thuẫn bằng ẩu đả… đang trở thành nỗi nhức nhối.
Kỳ nghỉ hè bắt đầu cũng là thời điểm đặt ra nhiều thách thức trong công tác tổ chức, quản lý, giám sát HS và cách thức triển khai công tác quản lý ra sao là vấn đề được tập trung đề cập tại hội nghị giao ban an ninh trường học năm 2015 giữa Sở GD-ĐT và Công an thành phố - diễn ra vào ngày 3-6.
Nghỉ hè, học sinh cần được tổ chức vui chơi, học các môn rèn luyện thể chất, nâng cao sức khỏe. Ảnh: Kỳ Anh |
Học sinh, phụ huynh vẫn vi phạm
Năm 2015 là năm thứ 5 liên tục ngành GD-ĐT và Công an thành phố triển khai Quy chế 167/QCPH/ SGD&ĐT- CATP về công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trường học. Theo đánh giá chung, công tác an ninh an toàn trường học trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực, song vẫn chưa đạt hiệu quả mong muốn. Qua gần một tháng cao điểm thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em ngồi trên xe máy, tính đến ngày 20-4, có tới hơn 300 HS bị nhắc nhở, 118 HS vị xử lý vi phạm quy định đội mũ bảo hiểm; trong nửa đầu tháng 5, có 86 HS bị xử lý vi phạm các quy định về giao thông, chủ yếu là không đội mũ bảo hiểm. Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố cho biết đã xử lý hơn 300 trường hợp cả phụ huynh và HS vi phạm luật giao thông trong nửa đầu năm nay. Tại hội nghị giao ban, lãnh đạo ngành cũng đã nêu danh một số đơn vị có HS vi phạm như THCS quận Long Biên, Tiểu học Bắc Thăng Long, một số trường THPT ở huyện Sóc Sơn, Thanh Oai, Mỹ Đức…
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hiệp Thống nhận định: Việc theo dõi, quản lý, giám sát HS của một số trường, nhất là trường ngoài công lập chưa chủ động, tích cực, còn trông chờ vào cơ quan chức năng. Một bộ phận cha mẹ HS vẫn cho con sử dụng xe máy, không đội mũ bảo hiểm cho con khi tham gia giao thông. Việc phản hồi các thông báo của lực lượng công an về hình thức xử lý HS vi phạm giao thông của các trường còn chậm.
Một số tồn tại, bất cập gây ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trường học 6 tháng qua cũng được xác định, mà cơ bản là do ý thức chấp hành của cả HS và một bộ phận của phụ huynh chưa tốt, chưa quan tâm đến hậu quả. Phần lớn phụ huynh cho con sử dụng xe máy còn viện dẫn lý do như nhà xa, bố mẹ không có điều kiện đưa đón. Ngoài ra, còn do việc xử lý vi phạm chưa kịp thời và thực sự nghiêm khắc.
Cần sự góp sức của nhiều lực lượng
Đáng chú ý là vào thời điểm gần kết thúc năm học 2014-2015, trên địa bàn thành phố xảy ra một số sự việc khá nghiêm trọng như phụ huynh vào trường đánh HS tại Trường THCS Liên Hồng (Đan Phượng); HS Trường THCS Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm), Trường THCS Uy Nỗ (Đông Anh) đánh nhau, quay clip và đưa lên mạng, HS Trường THCS Đông Xuân (Sóc Sơn) đánh bạn, gây tử vong… Những sự cố này khiến cho các cơ quan chức năng đảm đương công tác bảo đảm an toàn trường học ở Thủ đô không khỏi lo lắng, đòi hỏi phải chủ động phương án phòng ngừa, nhất là khi HS đã nghỉ hè.
Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong công tác bảo đảm an toàn cho HS, hầu hết các nhà trường trên địa bàn quận Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa… trước khi cho HS nghỉ hè đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, trong đó có đoàn thanh niên và cả công an khu vực để bàn giao HS. Những HS "có cá tính" được đặc biệt quan tâm trong hè. Đại diện phòng GD-ĐT huyện Mỹ Đức cho biết, do điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, số điểm vui chơi cho trẻ rất ít nên đã chỉ đạo 100% các trường trên địa bàn bàn giao toàn bộ HS cho chi đoàn cơ sở. Chính quyền sở tại có trách nhiệm giám sát, chỉ đạo tổ chức sinh hoạt hè bổ ích, giúp các em tránh xa tệ nạn và các hoạt động thiếu lành mạnh, kịp thời phát hiện những biểu hiện cần uốn nắn từ phía HS. Cách làm của quận Hoàng Mai là phối hợp với địa phương tổ chức các câu lạc bộ năng khiếu, dạy bơi cho HS; Phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy rục rịch mở khóa tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ cho nhân viên bảo vệ các nhà trường…
Mối quan tâm của cả hai ngành giáo dục và công an là bảo đảm các điều kiện cần thiết để tổ chức an toàn, nghiêm túc hai kỳ thi sắp diễn ra trên địa bàn thành phố, gồm kỳ thi THPT quốc gia, kỳ thi vào lớp 10 (diễn ra trong tháng 6) và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp (tháng 7). Phó Trưởng phòng PA83, Công an thành phố Nguyễn Công Chiến cho biết, dù số lượng thí sinh về Hà Nội thi THPT quốc gia giảm so với năm trước, song không thể vì thế mà chủ quan, bởi tính chất kỳ thi năm nay có sự khác biệt. Kế hoạch bảo vệ kỳ thi tại Hà Nội đã được phê duyệt, trong đó có sự góp sức của nhiều lực lượng, có phân rõ nhiệm vụ, như PA83 bảo vệ an toàn các khâu sao in đề, vận chuyển, lưu trữ đề thi, bài thi; Cảnh sát giao thông phân luồng, giải quyết ách tắc, tạo điều kiện để HS đến đúng giờ; Cảnh sát cơ động phối hợp xử lý sự cố trên đường vận chuyển đề, bài thi…
Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết sẽ xây dựng mô hình trường - phường (hoặc trường - xã, thị trấn) với những nội dung cụ thể về mục đích và trách nhiệm của nhà trường và chính quyền địa phương trong công tác bảo đảm an toàn trường học. Mô hình dự kiến triển khai từ năm học 2015-2016 nhằm huy động sự phối hợp khăng khít, trách nhiệm hơn nữa giữa nhà trường - địa phương, góp phần hạn chế bạo lực học đường, mất trật tự công cộng… |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.