Những ngày áp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, khi hầu hết các gia đình đều bận bịu hơn với những công việc cuối năm, thì các nhà trường cũng thêm vất vả với nhiều phần việc. Các nhà trường đã tăng cường triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn trường học, ngăn ngừa nguy cơ mất an toàn cho học sinh.
Năm học 2023-2024, thành phố Hà Nội có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với hơn 2.800 trường học và gần 2,3 triệu học sinh. Quy mô trường, lớp nhiều, số lượng học sinh đông, địa bàn rộng, lại trong bối cảnh có nhiều tác động từ đời sống xã hội, nhất là những ảnh hưởng từ mạng xã hội, khiến việc bảo đảm an toàn trường học luôn đứng trước nhiều thách thức.
Đơn cử, sự việc hai học sinh nữ xô xát nhau ngay tại lớp học sau tiết cuối cùng của buổi học ngày 26-1 tại Trường Trung học cơ sở Kiến Hưng (quận Hà Đông), với hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội, đang được xác minh, giải quyết. Phía hai bên gia đình đã gặp gỡ để hòa giải, nhà trường cũng đã họp hội đồng kỷ luật để xử lý vụ việc.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều sự việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài nhà trường bị phát hiện thời gian qua, đòi hỏi mỗi nhà trường cần tiếp tục chủ động triển khai các giải pháp ngăn ngừa. Là quản lý một trong số các đơn vị có quy mô học sinh nhiều nhất thành phố, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng cho hay, từ sự việc này, Phòng đã tổ chức họp rút kinh nghiệm với tất cả các nhà trường trên địa bàn quận Hà Đông với yêu cầu tăng cường quản lý, kịp thời nắm bắt diễn biến tâm lý, tư tưởng, tình cảm của học sinh, nhất là trong những ngày giáp Tết Nguyên đán năm 2024. Phòng đã chỉ đạo các nhà trường tăng cường giáo dục kỹ năng ứng xử, giáo dục tâm lý lứa tuổi học sinh bằng nhiều hình thức như lồng ghép vào bài giảng, tổ chức sinh hoạt chuyên đề, mời chuyên gia tâm lý đến trường trò chuyện, tư vấn học sinh...
Xác định dịp này cũng như trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, học sinh sử dụng internet, mạng xã hội nhiều hơn, việc va chạm, mâu thuẫn cũng có nguy cơ tăng lên, nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội tập trung nhắc nhở, tuyên truyền, giáo dục học sinh về các quy định liên quan đến an ninh mạng. Em Trần Hoài Anh, học sinh Trường Trung học cơ sở Thăng Long (quận Ba Đình) chia sẻ, em được các thầy cô nhắc cần ghi nhớ, tuân thủ “5 không” khi sử dụng mạng xã hội, như không a dua theo đám đông, không đăng tải thông tin sai lệch...
Còn theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu, dịp này cha mẹ học sinh thường bận bịu hơn, nếu không quản lý chặt chẽ, học sinh dễ có nguy cơ bị lôi cuốn, dụ dỗ tham gia các tệ nạn xã hội, trò chơi không lành mạnh. Về phía nhà trường đã và đang triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng cho học sinh về việc sử dụng internet, tránh sa vào bạo lực hay bị lừa đảo...
Để chuẩn bị cho kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng lưu ý các nhà trường đặc biệt quan tâm đến công tác bảo đảm an ninh, an toàn trường học, đặc biệt là ngăn ngừa nguy cơ cháy nổ. Ghi nhận chung, tính đến ngày 3-2, các nhà trường đều đã có kế hoạch trực, bảo vệ dịp Tết. Hệ thống điện và các thiết bị phòng, chống cháy nổ tại các nhà trường được rà soát kỹ...
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng vừa có yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo, các nhà trường công bố số điện thoại đường dây nóng; có bộ phận trực lãnh đạo và bảo vệ trực tại đơn vị trong suốt thời gian nghỉ Tết để kịp thời phát hiện, xử lý các tình huống bất thường có thể phát sinh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.