(HNM) - Thời điểm này, không khí Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 khiến xuất hiện tâm lý chuẩn bị nghỉ lễ, nên học sinh dễ mải chơi, có nguy cơ bị lôi kéo vào những hành vi lệch chuẩn, gây tai nạn thương tích... Vì vậy, các trường học đã và đang chủ động tăng cường triển khai các biện pháp ngăn ngừa những nguy cơ mất an toàn cho học sinh.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Năm học 2022-2023, thành phố Hà Nội có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, với hơn 2.800 trường học và hơn 2,2 triệu học sinh. Bên cạnh việc tổ chức dạy học, công tác bảo đảm an toàn cho học sinh được toàn ngành xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, không thể lơ là trong bất cứ hoàn cảnh nào, bởi đây là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục.
Tuy nhiên, do quy mô trường, lớp nhiều, số lượng học sinh đông, ở nhiều độ tuổi, lại trong bối cảnh chịu tác động đa chiều từ sự phát triển của xã hội, nên công tác bảo đảm an toàn cho học sinh ở Thủ đô luôn đứng trước nhiều thách thức.
Đơn cử, ngày 6-9-2022, ngày học thứ hai của năm học mới 2022-2023, một số học sinh của Trường Trung học phổ thông Quang Minh (huyện Mê Linh) đã bị một mảng vữa trần của phòng học rơi trúng, may mắn không có thiệt hại nặng, nhưng là hồi chuông cảnh báo với nhiều đơn vị. Nguyên nhân là do trường được xây dựng từ lâu nên cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng...
Sau sự việc này, các trường học trên địa bàn thành phố đều rà soát lại toàn bộ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và các hạng mục phục vụ học sinh. “Dù vậy, chúng tôi vẫn còn thấp thỏm, bởi còn khá nhiều trường học đã có tuổi đời cao, nhiều hạng mục xuống cấp, trong khi học sinh thường rất hiếu động, luôn tiềm ẩn nguy cơ không an toàn”, ông Lê Trần Anh, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai bày tỏ.
Hiện các em học sinh vừa kết thúc học kỳ I, chuẩn bị nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nên thường có tâm lý xả hơi, trong khi đó thầy, cô giáo lại bận hơn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro nếu lơ là, chủ quan. Do đó, các nhà trường cần phải tăng cường công tác quản lý để kịp thời phát hiện các nguy cơ mất an toàn đối với học sinh.
Nỗ lực phòng tránh
Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, về cơ bản, công tác bảo đảm an toàn cho học sinh của các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua được thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm cao. Tùy tình hình thực tế, mỗi nhà trường có phương án triển khai phù hợp, với tinh thần chủ động phòng tránh, hạn chế tối đa tai nạn thương tích cho học sinh.
Là địa bàn có mật độ dân số đông, nhiều trường học nằm xen kẽ trong khu dân cư, từ nhiều năm nay, ngành Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân đã duy trì tốt mô hình bảo vệ chuyên nghiệp ở các nhà trường, nhằm tăng tính an toàn, nhất là đối với các trường học có hầu hết nhà giáo là nữ. Cách làm này cũng hạn chế tình trạng nhân viên bảo vệ thiếu chuyên nghiệp, không có kỹ năng xử lý các sự cố, giúp phụ huynh yên tâm hơn.
Quận Thanh Xuân cũng là một trong số các đơn vị đầu tiên của thành phố Hà Nội đã lắp đặt hệ thống camera giám sát phía ngoài trường học, kết nối trực tiếp với lực lượng công an. Ngoài ra, các trường học đều có hệ thống camera nội bộ.
Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân Phạm Gia Hữu, việc chủ động rà soát, phát hiện các nguy cơ mất an toàn ở khu vực trường học đã giúp cho cơ quan chức năng kịp thời xử lý nhiều tình huống bất thường, giúp thầy, cô giáo và học sinh yên tâm dạy, học tốt.
Trước những cảnh báo về nguy cơ gia tăng tình trạng học sinh sử dụng thuốc lá điện tử, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Công Trứ (quận Ba Đình) Nguyễn Quốc Dương cho biết, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại cũng như cách nhận diện, phòng tránh thuốc lá điện tử và các chất gây nghiện khác, nhà trường tăng cường rà soát, kiểm tra trong khuôn viên trường, nhất là tại các khu vực khuất; phân công bảo vệ, giáo viên lưu ý khu vực nhà vệ sinh...
Từ nay tới trước ngày học sinh nghỉ Tết, giáo viên chủ nhiệm tăng cường thông tin tới phụ huynh về giờ giấc học tập; đồng thời tăng cường quản lý, giám sát, thường xuyên nhắc nhở học sinh thực hiện đúng Luật Giao thông đường bộ.
Còn theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai Phạm Đàm Thục Hạnh, phòng đã tăng cường quản lý đối với các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập để bảo đảm hoạt động chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng trẻ có nền nếp và chất lượng. Ngoài việc kiểm tra các điều kiện cơ sở vật chất, phòng cũng đã tập trung bồi dưỡng cho giáo viên các nhóm trẻ về chuyên môn, kỹ năng bảo đảm an toàn cho trẻ.
Để đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 an toàn, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị, trường học tăng cường triển khai những giải pháp bảo đảm an toàn cho học sinh, trong đó đặc biệt lưu ý công tác tổ chức ăn bán trú, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và nhận diện các hình thức lừa đảo qua mạng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.