(HNM) - Gần đây, một clíp quảng cáo phát trên truyền hình về mì ăn liền đưa ra thông tin mì sau khi ngâm nước có màu vàng nhạt mới là sản phẩm bảo đảm an toàn; còn nếu có màu vàng sậm thì sản phẩm đó chứa chất màu độc hại, đã khiến nhiều ông bố, bà mẹ khốn khổ vì các
Tất bật đi mua, về nấu lên thấy chất lượng cũng chẳng có gì khác biệt. Tìm hiểu kỹ hơn mới biết, chất khiến mì tôm có màu vàng sậm là chất tạo màu 102 vẫn là phụ gia được phép sử dụng tại Việt Nam. Và về bản chất, mì ăn liền của các hãng ở Việt Nam đều sản xuất với công nghệ và nguyên liệu tương tự nhau.
Nếu thường xuyên theo dõi quảng cáo, người tiêu dùng (NTD) sẽ không khó để nhận ra một công thức chung mà các thương hiệu thường áp dụng hiện nay là so sánh và công bố những kết quả nghiên cứu ấn tượng nhằm khẳng định sản phẩm của mình là chất lượng nhất, an toàn nhất, tốt nhất... Và ''thượng đế'' khi đi mua hàng giữa bạt ngàn thông tin với những ngôn từ "nổ tung trời" như chất lượng số một, hiệu quả thấy liền... chẳng khác nào lạc vào mê hồn trận. Chỉ đến khi sử dụng mới biết chất lượng thật sự của sản phẩm "nói vậy mà không phải vậy". Tiền đã một đi không trở lại, nhưng NTD chẳng biết kêu ai? Chẳng lẽ trách nhà đài phát sóng không thẩm định kỹ, hay trách các hãng sản xuất quảng cáo không trung thực?
Từ ngày 1-7-2011, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD 2010 đã chính thức có hiệu lực. Theo đó, luật đã quy định hàng loạt hành vi bị nghiêm cấm như cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện một số hành vi như lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho NTD thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về sản phẩm, uy tín, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân… Luật cũng trao nhiều quyền cho NTD trong việc khiếu nại và bồi thường thương lượng, hòa giải khi có vụ việc xảy ra. Song theo đánh giá của các chuyên gia pháp luật, việc thực thi luật không hề đơn giản. Bởi phần lớn NTD Việt Nam còn tâm lý e ngại và họ thường chọn hướng giải pháp mềm dẻo hơn, chấp nhận chịu thiệt thòi. Bởi, nếu kiện, NTD sẽ phải thuê luật sư tranh tụng với chi phí tốn kém. Bên cạnh đó, việc xác định đối tượng để khiếu kiện cũng không đơn giản, nhất là với những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh không cố định tại chợ cóc, chợ tạm, ở vùng sâu, xa. Hơn nữa, NTD mua hàng không có hóa đơn cũng rất khó xử lý tổ chức, cá nhân khi có hành vi vi phạm.
Để tự bảo vệ mình trước các chiêu thức quảng cáo hiện nay, trong khi chờ đợi Luật Quảng cáo được ban hành (dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII), thiết nghĩ mỗi NTD nên tự trang bị những kiến thức cần thiết về pháp luật cũng như kiến thức tiêu dùng khi mua, sử dụng hàng hóa. Và nếu không hài lòng với sản phẩm, NTD hoàn toàn có thể yêu cầu các tổ chức bảo vệ NTD hoặc các cơ quan quản lý giúp đỡ. Có như vậy, thông điệp "Hãy là NTD thông thái" mới thực sự phát huy hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.