Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hãy chấm dứt việc ”ngồi trên trời” ra chính sách

Hoàng Thu Vân| 21/08/2013 05:35

(HNM) - Sáng 20-8, trong khuôn khổ phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường là người mở đầu phiên trả lời chất vấn về những liên quan tới việc ban hành các văn bản pháp luật hiện nay. Đã có 25 đại biểu nêu câu hỏi và nhiều vị tái chất vấn và trao đổi thêm với Bộ trưởng.


Một trong những vấn đề nóng được nhiều đại biểu đề cập là việc một số văn bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật chưa được phát hiện kịp thời, tạo ra những bức xúc không đáng có trong xã hội. Ví dụ cụ thể như các quy định về cộng điểm ưu tiên cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; quy định thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ; quy định ghi tên bố, mẹ trong chứng minh thư nhân dân; quy định sản xuất rượu thủ công phải đăng ký với chính quyền địa phương…

Dù Bộ trưởng Tư pháp cho rằng, những bất hợp lý "lọt lưới" nêu trên là không nhiều trong hơn 2 vạn nội dung mà Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm thẩm định từ đầu nhiệm kỳ đến nay, song các câu hỏi chất vấn vẫn tập trung làm rõ nguyên nhân của tình trạng này. Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) nêu ý kiến, có hay không tình trạng tham nhũng trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật? Đại biểu Trần Xuân Vinh (đoàn Quảng Nam) hỏi về việc doanh nghiệp "tranh thủ" các bộ, ngành để hưởng lợi từ cơ chế, chính sách. Đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) đề nghị làm rõ có hay không việc xây dựng luật phục vụ lợi ích nhóm? Một số văn bản của các bộ còn mâu thuẫn nhau có phải là để bảo vệ lợi ích của mình hoặc đẩy phần khó cho người dân?…

Và như ý kiến của đại biểu Lê Nam (đoàn Thanh Hóa), có chuyện "ngồi trên trời" ra chính sách là do một bộ phận cán bộ pháp chế xa rời thực tế.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa nhận, chất lượng thẩm định văn bản quy phạm pháp luật tuy đã được cải thiện nhưng tinh thần và nội dung thẩm định vẫn còn nặng về tính pháp lý; một số trường hợp còn thiếu tính bao quát, chưa chú trọng đúng mức đến tính khả thi, tính hợp lý của các quy định trong dự thảo văn bản; một số quy định về thủ tục hành chính chưa được kiểm soát chặt chẽ. Đặc biệt là việc xử lý trách nhiệm của cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật mới chỉ dừng ở mức phê bình, nhắc nhở, kiểm điểm công chức khi thi hành công vụ. Mặt khác, về nguyên tắc, sau khi ban hành văn bản 3 ngày, cơ quan ban hành phải gửi cho Bộ Tư pháp để kiểm tra, nhưng có cơ quan gửi chậm, thậm chí có những văn bản được đăng công khai rồi mà cơ quan kiểm tra chưa nhận được văn bản…

Có một sự trùng hợp, ngay tại thời điểm Bộ trưởng Tư pháp trả lời chất vấn, dư luận xã hội cũng đang xôn xao về văn bản số 1042/C67-P3 do Cục CSGT đường bộ - đường sắt (Bộ Công an) gửi Phòng CSGT công an các địa phương. Theo "tinh thần chỉ đạo" của văn bản này thì "kiên quyết đấu tranh làm rõ những đối tượng… quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được sự đồng ý của CSGT đang làm nhiệm vụ". Nội dung đó khiến người đọc có thể hiểu rằng công dân, nhà báo sẽ không được ghi hình, giám sát CSGT đang làm nhiệm vụ. Liệu những quy định này có là trái pháp luật? Và văn bản trên đã được cơ quan chức năng thẩm định?

Tính khả thi, phù hợp với thực tế đời sống cũng như phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành là điều kiện tiên quyết đối với các bộ, ngành khi ban hành văn bản. Đã đến lúc phải chấm dứt việc "ngồi trên trời" ra chính sách rồi lại "đuổi theo" để sửa đổi mà cơ quan, người ban hành văn bản vẫn vô can. Như vậy, việc cần thiết hiện nay là phải luật hóa trách nhiệm của cơ quan, người ban hành văn bản, tránh tình trạng chỉ rút kinh nghiệm chung chung hoặc phê bình, nhắc nhở. Cần phải nói thêm, chúng ta tốn không ít kinh phí cho việc xây dựng luật, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và triển khai hiện thực hóa những quy định đó trong đời sống. Nếu không chặt chẽ trong giám sát, quản lý chính cũng là đã tạo nên những kẽ hở gây thất thoát ngân sách nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hãy chấm dứt việc ”ngồi trên trời” ra chính sách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.