(HNM) - Trong cuộc làm việc của Bộ trưởng Bộ Y tế với UBND tỉnh Lạng Sơn, PGS.TS Phạm Xuân Đà, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm nói rằng ông đã mua một quả lê của Trung Quốc để tại phòng làm việc 5 tháng mà vẫn tươi nguyên; đồng thời cho biết thêm:
Cả chục năm qua, chuyện dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong rau, củ, quả nhập khẩu đã trở thành vấn đề "nóng" của toàn xã hội. Thậm chí, nhiều loại hoa quả nhập khẩu từ Trung Quốc đã mang đến nỗi lo sợ trong không ít gia đình Việt Nam. Thế nhưng... thực phẩm "bẩn" vẫn tràn lan thị trường. Đến thời điểm này, Bộ Y tế mới yêu cầu "kiểm nghiệm", "đánh giá toàn diện", kể như đã muộn. Thế nhưng như nhân gian vẫn nói, muộn còn hơn không. Đánh giá toàn diện là cần thiết, nhưng sau đánh giá là gì? Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ làm gì để ngăn chặn nguồn thực phẩm độc hại chuyển qua biên giới và thực phẩm "bẩn" hình thành ngay trên những cánh đồng Việt Nam. Dư luận "nóng", nhưng ngành chức năng chưa "nóng", hay "nóng" nửa vời - khi dư luận lên tiếng thì tổ chức kiểm tra, ra khuyến cáo... rồi đâu lại vào đấy thì đương nhiên không thể tránh hệ lụy?
Kể từ đầu năm đến nay có khoảng 240.000 tấn bưởi, cà chua, dưa hấu, dưa vàng, khoai môn, lê, mận, nấm, nho, rau xanh các loại, quýt, táo... nhập qua cửa khẩu, nhưng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất thế nào, vẫn ngoài tầm kiểm soát. Hậu quả ra sao, có lẽ không phải bàn, bởi tất cả đều biết. Điều đáng nói là ai cũng biết nhưng "biết rồi", để đấy bởi không chỉ hoa quả nhập khẩu, hoa quả trong nước cũng được "ngâm tẩm" đủ loại hóa chất vì một điều đơn giản: Trái cây ngâm hóa chất, ăn vào mấy chục năm mới phát bệnh, trong khi dân buôn bán cần nhất là kiếm lời lãi, bán hàng mà không hóa chất thì sao đua lại người ta... (như lời một tiểu thương).
Theo Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư, hiện tỷ lệ ung thư tại Việt Nam được đánh giá vào hàng cao nhất thế giới. Mỗi năm nước ta có khoảng 150.000 người mới mắc ung thư và 75.000 người tử vong vì căn bệnh này. Nguyên nhân chủ yếu, theo các nhà nghiên cứu là do các loại hóa chất độc hại có trong thức ăn hằng ngày. Và thực tế, những câu chuyện như giá đỗ sử dụng thuốc "kích phọt", thịt bò Australia quá hạn 2 năm, lòng lợn được làm sạch bởi chất tẩy rửa... đã trở thành "chuyện thường ngày ở huyện". Không thể trở thành "nhà thông thái" khi thực phẩm "bẩn" không chỉ tràn lan lề đường, góc chợ, mà còn len lỏi vào nhiều siêu thị, biết độc hại nhưng không thể chối từ, các "thượng đế" chấp nhận nuôi tế bào ung thư vì cái lợi trước mắt của nhà cung cấp.
"Chúng tôi thừa nhận thực trạng ngâm tẩm hóa chất độc hại để bảo quản trái cây đã diễn ra lâu nay và cơ quan y tế cũng đã nhiều lần lấy mẫu để kiểm tra nhưng "lực bất tòng tâm" vì không có phương tiện để truy tìm tận gốc những chất độc hại..." - Cơ quan chức năng nói vậy. Còn các tiểu thương thì dù biết những tác hại của hóa chất bảo vệ thực vật với sức khỏe con người, nhưng vì lợi nhuận... Sự bất lực của các cơ quan chức năng, cái "nhắm mắt" vì lợi nhuận của một bộ phận trong giới kinh doanh được đổi bằng căn bệnh ung thư quái ác và đủ thứ hệ lụy. Nếu cơ quan chức năng không có các biện pháp mà chỉ "kiểm nghiệm" để "đánh giá" thì chắc chắn sẽ không mang lại điều gì. Các "thượng đế" sẽ tiếp tục tự đầu độc mình và để lại hậu quả khó lường cho xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.