(HNM) - Khu vực nông thôn Thủ đô đang bùng phát một "phong trào" tiềm ẩn những hậu quả to lớn trước mắt và những hậu họa khó lường về lâu dài đối với cuộc sống của nông dân và môi trường nông thôn. Đó là tình trạng xây nhà trên đất nông nghiệp.
Từ những hiện tượng cá biệt, rải rác, mang tính tự phát hoặc thăm dò, nó mau chóng trở thành "lũ quét" tràn qua các vùng quê do ngay từ đầu chính quyền địa phương đã không nhận thức đúng nguy cơ thực sự của nó, không có những biện pháp cần thiết chặn đứng và loại trừ. Bằng những biện pháp nửa vời, chiếu lệ, họ đã vô tình hay cố ý góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho loại hình phạm pháp này phát triển. Thói quen làm việc quan liêu, "nước đến chân mới nhảy", đang đẩy họ vào thế "thả gà" nguy cấp. Nhà đã xây trên đất nông nghiệp không bị dỡ bỏ; nhà xây mới mỗi năm một tăng. Ở xã Đức Giang (Hoài Đức), Mễ Trì (Từ Liêm)… năm qua mỗi nơi có thêm 40-50 căn nhà to lớn, nguy nga được xây dựng trên đất nông nghiệp.
Khó tin được rằng chính quyền cơ sở không hay biết cũng như không hiểu rõ trách nhiệm của mình khi được Nhà nước trao quyền quản lý. Chắc chắn họ phải biết, với hàng loạt ngôi nhà mới mọc lên trên đất nông nghiệp, nguồn sống chính của người nông dân, vốn đã ít ỏi, lại càng thêm eo hẹp; cuộc sống nông thôn ngày mai sẽ càng bấp bênh và đặc biệt là pháp luật bị vi phạm, hiệu lực quản lý của chính quyền bị buông lỏng. Nhưng tại sao họ vẫn nhắm mắt làm ngơ, bình chân như vại?
Trên báo chí hay trong các cuộc thanh, kiểm tra họ thường trả lời: Chúng tôi không bỏ qua, chúng tôi theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng; tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp Nhà nước; theo đúng mọi chỉ thị, nghị định của Chính phủ.
- Nhưng những vi phạm bây giờ rất tinh vi. Không ai dại gì xây nhà ban ngày ngay trước mắt chính quyền, họ toàn xây buổi đêm, vào ngày nghỉ, lúc chính quyền không làm việc. Họ xây rất nhanh, khi vỡ lở thì sự đã rồi. Ông chủ tịch xã Đức Giang than thở như vậy.
- Chúng tôi vẫn thường xuyên kiểm tra, giám sát nhưng diện tích xã thì rộng, dân tới mấy nghìn hộ, lực lượng chúng tôi quá ít nên đã không đủ sức, lại phải dàn mỏng, vì vậy cũng có một số trường hợp lọt lưới… Đó là hoàn cảnh của Thanh tra xây dựng xã Mễ Trì.
Thực ra, một cán bộ chủ chốt của Sở Xây dựng Hà Nội nhận xét, đã trái phép thì phải tìm cách đối phó với chính quyền, ai cũng vậy thôi, đâu chỉ người nông dân. Vấn đề là chính quyền giải quyết như thế nào. Còn đội ngũ Thanh tra xây dựng, chúng tôi không nghĩ là quá ít, mà quan trọng là ở cách làm việc. Chắc chắn là có vấn đề với trình độ và khả năng của đội ngũ cán bộ cơ sở, nhưng điểm mấu chốt là cả nông dân và lãnh đạo địa phương đều hiểu không đúng những quy định của pháp luật về xây dựng nhà ở nông thôn. Nhiều hiểu biết, nhận thức về luật pháp trong lĩnh vực này còn chưa đồng nhất, thậm chí trái ngược nhau, dẫn đến tình trạng lộn xộn trong xây nhà trên đất nông nghiệp ở ngoại thành Hà Nội…
Nó không chỉ lộn xộn. Nó dẫn đến hậu quả trước mắt là phá vỡ cấu trúc nông thôn truyền thống; mất đất canh tác. Và hậu họa lâu dài là môi trường nông thôn bị hủy hoại; nông dân phải thay đổi lối sống, phương thức canh tác, chăn nuôi... Đáng lo ngại nhất là thói quen coi thường pháp luật, bất chấp đạo lý… đang dần hình thành.
Đó là những hậu quả, hậu họa tiềm tàng trong "phong trào" xây nhà trên đất nông nghiệp ở Thủ đô hiện nay, nếu không được ngăn chặn và mau chóng loại trừ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.