Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hậu đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ: Cơn sóng ngầm dữ dội

Quỳnh Dương| 20/07/2016 06:27

(HNM) – Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan vừa trải qua kỳ nghỉ cuối tuần


Đến thời điểm này, có 7.500 người tình nghi liên quan cuộc đảo chính đã bị bắt giữ. Chắc chắn, đây chưa phải con số cuối cùng, vì các cuộc điều tra mở rộng đang được Ankara ráo riết đẩy mạnh. Hành động của Tổng thống T.Erdogan được cho là cần thiết nhằm củng cố vị thế, nhưng nếu chưa làm rõ được nguyên nhân thực sự của cuộc đảo chính thì sự bình yên với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chỉ mang tính tạm thời.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T.Erdogan có thể mở cuộc "thanh lọc" mới trong quân đội sau cuộc đảo chính bất thành.



Ngay sau cuộc chính biến bất thành, Tổng thống T.Erdogan cáo buộc nhóm "nổi loạn" nhận lệnh từ giáo sĩ Fethulla Gulen - đồng minh thân cận, từng giúp ông T.Erdogan lên nắm quyền Thủ tướng cách nay hơn một thập niên, nhưng đã phải tới Mỹ lánh nạn (từ năm 1999) do sợ bị truy tố trong một chiến dịch đàn áp Hồi giáo. "Tuần trăng mật" giữa hai người thật sự kết thúc khi cuộc chiến chống tham nhũng do các quan chức tư pháp, được cho là gần gũi với giáo sĩ F.Gulen khởi xướng với cáo buộc rửa tiền nhằm vào con trai ông T.Erdogan hồi cuối năm 2013. Sau đó, Thủ tướng T.Erdogan đáp lại bằng một chiến dịch thanh trừng lớn từ quân đội đến dân sự, thậm chí các trường học liên quan giáo sĩ F.Gulen cũng buộc phải ngừng hoạt động. Những tòa soạn báo nghi ngờ có cảm tình với giáo sĩ này cũng phải đóng cửa hoặc sa thải biên tập viên... Theo Hãng tin Anatolia, khoảng 1.800 người có liên quan đến giáo sĩ F.Gulen đã bị bắt trong 3 năm qua; trong đó có 750 sĩ quan cảnh sát, 80 binh sĩ và 280 người trong số này đang phải ngồi tù.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi cái tên F.Gulen được Tổng thống T.Erdogan đưa lên đầu bản danh sách những kẻ tình nghi. Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, những chính sách của Tổng thống T.Erdogan trong thời gian gần đây mới là nguyên nhân dẫn đến cuộc đảo chính. Sự xuất hiện nhiều gương mặt "quân sự" trong cuộc chính biến cho thấy bất mãn giữa quân đội với chính quyền Ankara không phải chuyện “ngày một ngày hai”.

Trước đây, giới quân sự Thổ Nhĩ Kỳ nắm quyền lực khá lớn, lại được Hiến pháp cho phép can thiệp vào nội tình đất nước khi có khủng hoảng. Tổng thống lập quốc của Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1923 là Mustafa Kemal Ataturk (cũng là một vị tướng) đã tạo nên chủ nghĩa dân tộc dân chủ và thế tục. Tuy vậy, sau khi lên nắm quyền lãnh đạo đất nước trong vai trò Thủ tướng vào năm 2002, ông T.Erdogan đã hành động quyết liệt, dẹp tan sức ép từ phe quân đội. Trong quá trình "thanh lọc" lực lượng vũ trang, ông T.Erdogan đã ra lệnh bắt giữ và cho kết án hàng loạt tướng lĩnh cấp cao. Chưa kể, Tổng thống đương nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ từng bị chỉ trích lái đất nước theo hướng Hồi giáo hóa, thâu tóm quyền hành và đưa ra nhiều chính sách đối nội lẫn đối ngoại gây bất ổn an ninh quốc gia. Vụ "đụng độ" trong quan hệ với Nga gần đây là ví dụ.

Đảo chính không thành nhưng đó là một cảnh báo với chính quyền của Tổng thống T.Erdogan. Nếu Ankara không tìm kiếm được sự thay đổi trong đối nội và đối ngoại thì một cuộc khủng hoảng tương tự là hoàn toàn có thể xảy ra. Và, không loại trừ sự thể sẽ dẫn tới một cuộc nội chiến. Nhận định này không phải vô căn cứ. Bởi sau cuộc đảo chính, Ankara sẽ đẩy mạnh hơn cuộc truy lùng những người chống đối. Khả năng Tổng thống T.Erdogan lập lại bản án tử hình đã bị bãi bỏ tại nước này đối với những người tham gia đảo chính đang trở thành hiện thực. Nếu vậy, cuộc "hôn nhân" Thổ Nhĩ Kỳ - Liên minh Châu Âu (EU) vốn đầy trắc trở sẽ càng khó khăn hơn. Hiện đã dấy lên nghi ngờ, Tổng thống T.Erdogan sẽ nhân cơ hội này thanh trừng luôn những người có tư tưởng đối lập bằng bản án nghiêm khắc nhất.

Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt với những đe dọa từ “thù trong" đến "giặc ngoài”. Ở trong nước là nguy cơ chia rẽ nội bộ cùng sự nổi dậy của đảng Công nhân người Kurd (PKK) - tổ chức Ankara coi là khủng bố. Còn ở bên ngoài là hiểm họa đến từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang thấp thoáng đâu đó tại các vùng biên giới hoang vu. Trước những thách thức an ninh và xã hội chồng chéo, một cuộc “thanh lọc” hậu đảo chính có thể là nguyên cớ đẩy đất nước của hai lục địa Á - Âu đứng trước một cơn sóng ngầm dữ dội, khó lường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hậu đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ: Cơn sóng ngầm dữ dội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.