Thế giới

Cuộc đảo chính ở Niger có nguy cơ gia tăng làn sóng nhập cư vào EU

Kim Phượng 10/04/2024 - 11:04

Cuộc đảo chính năm ngoái ở Niger có nguy cơ làm gia tăng số lượng người nhập cư bất thường vào Liên minh châu Âu (EU) - Ủy viên phụ trách Nội vụ của EU Ylva Johansson cho biết trước thềm cuộc bỏ phiếu quan trọng về việc hiệp ước di cư mới của khối diễn ra hôm nay (10-4, giờ địa phương).

di-cu.png
Ủy viên phụ trách Nội vụ EU Ylva Johansson phát biểu trong một hội nghị tại Bộ Di cư ở Athens, Hy Lạp, ngày 8-1. Ảnh: Reuters

Chính quyền quân sự nắm quyền ở Niamey trong cuộc đảo chính năm 2023 đã thu hồi một đạo luật giúp giảm dòng người Tây Phi đến châu Âu.

EU đang tìm kiếm sự hợp tác chặt chẽ hơn với các quốc gia châu Phi để giảm tình trạng nhập cư không mong muốn.

Bà Johansson nói với giới báo chí: “Cuộc đảo chính ở Niger khiến tôi rất lo lắng. Điều đó tất nhiên có thể dẫn đến nhiều người di cư mới trong tình huống rất khó khăn và nguy hiểm”.

Dữ liệu của Liên hợp quốc cho thấy, hơn 45.500 người đã vào EU trong năm nay. Con số này thấp hơn nhiều so với mức cao nhất năm 2015 khi hơn 1 triệu người, chủ yếu là người tị nạn Syria, đã đến EU.

Kể từ đó, 27 quốc gia thành viên EU đã nỗ lực giảm tình trạng nhập cư bất thường từ Trung Đông và châu Phi bằng cách thắt chặt biên giới và hạn chế tị nạn khi các đòi hỏi chống nhập cư gia tăng trên khắp lục địa.

Dưới áp lực từ các đảng cực hữu dự kiến ​​sẽ giành được chỗ đứng trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu trong 2 tháng nữa, EU đã đưa ra một hiệp ước di cư mới được ký kết vào cuối năm ngoái như bước đột phá để xử lý tình trạng di cư tốt hơn .

Nghị viện châu Âu sẽ tổ chức cuộc bỏ phiếu cuối cùng vào ngày 10-4 về hiệp ước di cư mới, giúp rút ngắn thời gian sàng lọc và thủ tục tị nạn, tìm cách hợp lý hóa việc trả lại người tị nạn cũng như đưa ra viện trợ cho các quốc gia thành viên đang chịu áp lực về làn sóng di cư gia tăng.

Nếu được chấp thuận, hiệp ước sẽ được các quốc gia thành viên phê chuẩn trong những ngày tới.

Bà Johansson hy vọng cuộc bỏ phiếu sẽ được thông qua. Nhưng 161 tổ chức xã hội dân sự đã kêu gọi bác bỏ hiệp ước mà họ cho rằng đã lạm dụng các quyền cơ bản, bao gồm cả việc cho phép giam giữ trẻ em và là "một bước nhảy vọt sai hướng".

Federica Toscano từ tổ chức Save the Children Europe cho biết: "Quyết định này sẽ tác động đến trẻ em chạy trốn xung đột, đói khát và chết chóc trong nhiều thập kỷ. Điều bắt buộc là EU phải làm đúng".

Chuyên gia về di cư Alberto-Horst Neidhardt, thuộc tổ chức tư vấn Trung tâm Chính sách châu Âu, đã mô tả hiệp ước này là một thỏa hiệp “khó khăn” và cảnh báo không nên mong đợi các giải pháp nhanh chóng cho những thách thức phức tạp do di cư đặt ra.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cuộc đảo chính ở Niger có nguy cơ gia tăng làn sóng nhập cư vào EU

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.