Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hào hoa ra trận

Đoan Trang| 24/01/2020 08:01

(HNMCT) - “Mùa đông chưa về đến đây. Mình yêu cái chuyển tiếp giữa hai mùa này, xốn xang trong lòng nhiều kỷ niệm. Cây sầu đông chưa mở ra những mối sầu cho mình an ủi. Chùm quả chín vàng lấm tấm trên tà áo xanh của bầu trời, nhắc mình nhớ về cái ngõ hẹp vào nhà...”. Đó là những dòng nhật ký được liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc viết giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang cam go, ác liệt nhất. Bằng những rung cảm tinh tế, anh đã viết về cuộc chiến không hề bi lụy mà đầy lạc quan, tin tưởng.

Họa sĩ Lê Trí Dũng khi chiến đấu ở Quảng Trị năm 1972.

Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc, hàng triệu người con của Thăng Long - Hà Nội đã ra trận với một tâm thế kiêu hùng và tâm hồn lãng tử, hào hoa như thế.

1. Họa sĩ Lê Trí Dũng, nổi tiếng với bức ký họa Vượt trọng điểm đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, là một trong những thanh niên Hà Nội nhập ngũ theo lệnh tổng động viên để bổ sung cho mặt trận Quảng Trị. Trong ký ức có phần mờ đi vì tuổi tác và sức khỏe, ông vẫn nhớ đặc điểm nổi bật của lính Hà Nội giữa đám đông chính là sự quả cảm, lãng tử và hào hoa. Ông kể: “Từ năm 1970, sinh viên các trường đại học bắt đầu nhập ngũ, vào Nam đánh giặc, gọi là đi B. Đến năm 1971 thì rầm rộ. Năm 1972, khi sự khốc liệt của cuộc chiến tại Thành cổ Quảng Trị lên đến đỉnh điểm thì số lượng sinh viên các trường đại học đi bộ đội lên đến hàng vạn người. Sinh viên Hà Nội nhập ngũ mang đến cho quân đội một màu sắc khác hẳn, vui nhộn, nghịch ngợm, thậm chí phá phách theo nghĩa vui! Quân phục được phát, các chàng thường đem chữa đi để mặc cho đẹp, mũ ít khi đội thẳng mà cứ phải hơi lệch một chút... Và lính Hà Nội rất hay đàn hát, ba lô nhiều người luôn giắt cây sáo trúc hoặc chiếc kèn harmonica. Họ rất thích tấu hài và giỏi “tự biên tự diễn” các bài hát Tôi là Lê Anh Nuôi, Đưa

anh đi hái măng rừng... Những người lính sinh viên xếp bút nghiên lên đường chiến đấu, bước vào cõi chết nhẹ tựa lông hồng... Khi nghe lệnh vượt sông, dưới ánh sáng hỏa châu của địch, tiếng gầm rú của đại bác bắn từ Hạm đội 7 ngoài biển vào, trong làn mưa đạn, những người lính - sinh viên Hà Nội chỉ với chiếc mũ tai bèo, quần cộc, áo cộc, băng đạn đeo trước ngực, thủ pháo giắt lưng, khẩu AK cầm tay... lao mình xuống dòng sông Thạch Hãn lạnh buốt bơi sang bờ Nam để vào trận đánh... Đặc biệt, trong ba lô lính sinh viên người nào cũng có cuốn nhật ký kèm theo chiếc khăn tay của một thiếu nữ... Và trong cuốn nhật ký nào hầu như cũng có những bài thơ về tình yêu quê hương, tình đồng đội, nỗi thương mẹ nhớ cha và lời hẹn ngày chiến thắng trở về...”.

Cho đến hôm nay, trong ký ức của họa sĩ Lê Trí Dũng vẫn ăm ắp kỷ niệm và hình bóng đồng đội. Ông vẫn vẽ cho thỏa niềm đam mê hội họa giống như những ngày tháng rong ruổi trên đường hành quân, mong manh giữa cái sống và cái chết nơi cổ thành... Ngày ấy, giữa những trận đánh, ông ký họa khá nhiều, trên đủ mọi chất liệu, từ giấy báo, sổ tay đến mặt sau tài liệu, vỏ bao bì... về tất cả những nơi ông đã đi qua, những con người ông đã gặp. Đó là những chiến sĩ cao xạ bên mâm pháo, cô giao liên lấm tấm mồ hôi trên đường đưa thương binh vượt ngầm, là những chiến sĩ công binh vừa hoàn thành nhiệm vụ lấp hố bom, vá đường, là anh lính trẻ măng vừa nhập ngũ... Mỗi bức vẽ là một kỷ niệm hoặc là những “vết cứa” mà ông không thể quên, bởi có những bức vẽ xong, chỉ vài ngày sau nhân vật đã không còn nữa.

PGS.TS Phạm Thành Hưng, một trong số hàng trăm sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội xếp bút nghiên lên đường ra trận.

2. PGS.TS Phạm Thành Hưng - nguyên Phó Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, là một trong số hàng trăm sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội xếp bút nghiên lên đường ra trận năm xưa - thì cho rằng, chất hào hoa của lính Hà Nội thể hiện qua ý chí không lùi bước trước khó khăn và tinh thần lạc quan, vững tin vào một ngày mai chiến thắng. Ông nhớ lại: “Vào mùa thu năm 1971, đêm đêm mặt đường rậm rịch tiếng chân người. Bộ đội hành quân, sinh viên, học sinh, dân quân tự vệ cũng hành quân luyện tập. Lá những cây xà cừ trong ký túc xá Mễ Trì trở thành những vòng ngụy trang đẹp nhất và xanh lâu nhất... Đặc biệt, chàng sinh viên nào ra trận cũng có nhật ký hoặc một cuốn sổ tay ghi chép. Ghi để làm gì, chưa cần biết. Nhưng cần ghi, vì ai cũng linh cảm có thể đó là bút tích cuối cùng để lại. Riêng sinh viên hai khoa Văn - Sử bấy giờ thì ghi chép còn vì một động cơ khác: Cần tích lũy tư liệu, vì mình có bổn phận làm chứng nhân của một thời đại hiếm hoi, bi tráng...”.

Ông Phạm Quốc Bản, nguyên Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, kể: “Mùa thu năm 1970, chúng tôi làm lễ xuất quân vượt Trường Sơn vào miền Đông Nam Bộ. Trước 500 cán bộ, chiến sĩ tuổi mười tám, đôi mươi đều quê quán nội ngoại thành Hà Nội, Thiếu tướng Tô Ký, Chính ủy quân khu 3 đã trân trọng trao lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam cho Tiểu đoàn chúng tôi, mang phiên hiệu Đoàn 2233 - B2, Hà Nội. Rồi ông xúc động nói: “Thay mặt nhân dân Nam Bộ (ông là người Nam Bộ) tôi xin chân thành cảm ơn các bà mẹ Hà Nội đã cống hiến cho Nam Bộ, cho cuộc thống nhất non sông, những người con ưu tú nhất của Thủ đô. Ngàn vàng không thể sánh được tinh thần, ý chí quyết chiến quyết thắng của thanh niên Thủ đô”.

Trong một lần họp mặt cựu chiến binh Sư đoàn 7, đơn vị hai lần Anh hùng, Trung tướng Lê Nam Phong, 93 tuổi, quê Nghệ An, người đã trải qua ba cuộc chiến tranh đánh Pháp, đánh Mỹ và giúp nước bạn Campuchia lật đổ bè lũ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary, phát biểu: “Cầm quân gần cả cuộc đời, tôi lúc nào cũng yêu quý lính Hà Nội bởi họ rất dũng cảm, thông minh sáng trí, lạc quan. Đặc biệt, ở đâu có lính Hà Nội là ở đó luôn vui vẻ bởi họ hiểu biết nhiều...”. Quả thật, trong suốt những năm tháng chiến tranh ác liệt, đi đến đâu chúng tôi cũng nhận được sự đón tiếp nồng hậu của người dân. Chiến đấu trên đất Bến Cát (Bình Dương), Củ Chi (Sài Gòn), Bình Long (Bình Phước), lính Hà Nội luôn được các má, các chị các em miền Đông Nam Bộ thương yêu hết mực. Vào cuối năm 1972, khi đơn vị tôi đánh chiếm các xã Phú Hòa Đông, Phú Hòa Tây, Tân Phú Trung (huyện Củ Chi), dưới hầm địa đạo, các nữ chiến sĩ du kích còn truyền tai nhau và hát lại cho chúng tôi nghe bài vè đáng yêu: “Một thương chính cống kinh kỳ/ Hai thương súng ngắn đen sì bên hông/ Ba thương bát sứ bỏ bồng/ Bốn thương văn hóa phổ thông lớp 10…”, toàn những đặc điểm của lính Hà Nội”...

Ông Phạm Quốc Bản (ngồi thứ hai từ trái sang), cùng các chàng trai mười tám đôi mươi quê Hà Nội đã vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam chiến đấu.

3. Phẩm chất yêu nước, dũng cảm và hào hoa của người Hà Nội chính là sự kết tinh của quá trình hun đúc, tôi rèn qua nhiều thế kỷ đấu tranh dựng nước và giữ nước. Những địa danh Chương Dương, Hàm Tử, Đông Bộ Đầu, Đầm Mực, Đống Đa... mãi chói ngời trong những trang sử của dân tộc.

Những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến năm 1946, người Hà Nội đã cất bút nghiên, xếp lại những cuốn sách và cây đàn để đào hầm, mang bàn ghế, giường tủ... ra dựng chiến lũy trên các đường phố, sẵn sàng “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, sẵn sàng “sống mãi với Thủ đô”... Sau 60 ngày đêm cầm chân kẻ thù, “những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng” bỏ lại “đô thành nghi ngút cháy sau lưng” để lên đường kháng chiến, mặc cho “bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa” và hẹn ngày “Trở về, trở về chiếm lại quê hương”.

Tham gia đoàn quân Tây tiến năm xưa phần đông là thanh niên, sinh viên, học sinh Hà Nội, hội đủ anh tài ở nhiều lĩnh vực. Từ huyền thoại Tạ Đình Đề “bách phát bách trúng” cho đến thi nhân tài năng Quang Dũng, họa sĩ - liệt sĩ - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Như Trang, nhạc sĩ Doãn Quang Khải (tác giả ca khúc Vì nhân dân quên mình)... Nói về tinh thần quả cảm, kiên cường của người Hà Nội không thể không nhắc đến chiến thắng vĩ đại đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội những ngày cuối tháng 12 năm 1972. Trong 12 ngày đêm khói lửa đó, “hào khí Thăng Long” đã “sáng lên ngời ngời” để làm nên một “Điện Biên mới oai hùng”. Hà Nội trở thành niềm tin yêu, hy vọng và tự hào của đồng bào cả nước, “Thủ đô của lương tri, phẩm giá con người”... 

Những thế hệ người Hà Nội đã đi vào các cuộc trường chinh của dân tộc với một tâm hồn bay bổng, kiêu hùng như thế. Họ là những “mảnh” hào hoa ghép thành hào khí Thăng Long - Hà Nội, góp phần tô thắm những trang sử vẻ vang của dân tộc, để lại tiếng thơm muôn đời cho mảnh đất nghìn xưa yêu dấu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hào hoa ra trận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.