Nhìn lại 70 năm kể từ Ngày Giải phóng 10-10-1954, Hà Nội đã đạt nhiều thành tựu lớn lao, trong đó giá trị cốt cách người Hà Nội thanh lịch, văn minh được hun đúc từ nghìn năm lịch sử được gìn giữ, lan tỏa.
Song giữa thời buổi kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, công tác xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh tiếp tục được đặt ra với đòi hỏi ngày càng cao hơn.
Nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được triển khai từ sớm, nhưng qua thực tế, có thể thấy đây vẫn còn là khâu yếu. Qua nhìn nhận, đánh giá, Thành phố cũng khẳng định, kết quả xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đi vào thực chất. Những hành vi ứng xử thiếu văn hóa với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, những biểu hiện lệch lạc trong văn hóa gia đình, văn hóa học đường, văn hóa nơi công cộng... đã làm xấu đi nét thanh lịch, hào hoa, làm mai một truyền thống tốt đẹp của người Hà Nội.
Trước thực tế đó, Đảng, Nhà nước và Thành phố Hà Nội đã xác định phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là một nhiệm vụ chính trị quan trọng. Phát biểu tại Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo Hà Nội phải xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại, tôn trọng pháp luật, người Hà Nội phải sống thực sự có văn hóa, tiêu biểu cho văn hóa dân tộc. Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cũng nêu rõ quan điểm phải xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.
Triển khai thực hiện, Thành ủy Hà Nội đã cụ thể hóa trong chương trình công tác toàn khóa. Ngày 29-2-2024, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU "Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh". Đây được coi là bước đột phá trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; đề cao vai trò của cấp ủy, chính quyền, nhất là vai trò "nhạc trưởng" của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy trong huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân.
Tuy nhiên, để tạo chuyển động mới trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, mấu chốt là phải đặt người dân vào trung tâm, là chủ thể. Trên cơ sở đó, kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng, bồi đắp giá trị gia đình, lấy gia đình làm nền tảng với xây dựng bằng được môi trường giáo dục, môi trường xã hội lành mạnh, đề cao văn hóa nêu gương, trước hết là trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Phải đưa các quy tắc ứng xử trở thành thước đo sống động trong xã hội, thẩm thấu vào nếp sống hằng ngày của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và mỗi người dân.
Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là quá trình lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ tiến hành thường xuyên. Nhưng sẽ không có đột phá nếu không thực sự đánh thức được trong mỗi người tình yêu Thủ đô ngàn năm văn hiến, cùng với đó là niềm tự hào với danh xưng "người Hà Nội" và trách nhiệm cống hiến xây dựng, kiến tạo Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại". Muốn vậy phải tạo ra các phong trào thi đua, phong trào hành động cách mạng ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức; một phong trào toàn dân, toàn diện lan tỏa sâu rộng trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.