Thế giới

Hành trình di cư ngày càng nguy hiểm

Thương Nguyệt 27/03/2024 - 16:04

Hơn một thập kỷ trước, cái chết của 600 người di cư và tị nạn trong 2 vụ đắm tàu ​​ở Địa Trung Hải gần bờ biển Italia đã gây chấn động thế giới. Sau vụ việc, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) bắt đầu thống kê số người thiệt mạng hoặc mất tích trên hành trình di cư đầy nguy hiểm.

Chính phủ các quốc gia trên thế giới đã nhiều lần cam kết giải cứu người di cư và chống lại những kẻ buôn người. Tuy nhiên, 10 năm trôi qua, hành trình chạy trốn xung đột hoặc đói nghèo vẫn không an toàn hơn, theo báo cáo của IOM về “Dự án người di cư mất tích”.

Báo cáo cho thấy con số đáng lo ngại, với hơn 63.000 người đã thiệt mạng, được cho là thiệt mạng hoặc mất tích kể từ năm 2014. 2023 là năm nguy hiểm nhất đối với người di cư khi ghi nhận hơn 8.500 trường hợp thiệt mạng, một phần do số người chết đuối ở Địa Trung Hải tăng mạnh.

1(2).png
Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MFS) giải cứu người di cư tại Địa Trung Hải. Ảnh: Reuters

Cũng theo báo cáo, số ca tử vong “có thể chỉ là một phần nhỏ so với số người thiệt mạng thực tế trên toàn thế giới” do khó khăn trong việc thu thập và xác minh thông tin. Trên tuyến đường Đại Tây Dương từ bờ biển phía Tây châu Phi đến quần đảo Canary của Tây Ban Nha, nhiều con thuyền biến mất được ví như “những vụ đắm tàu ​​​​vô hình”. Tương tự, nhiều trường hợp thiệt mạng ở sa mạc Sahara cũng không được báo cáo.

Ngay cả khi số trường hợp thiệt mạng được ghi nhận, hơn 2/3 số nạn nhân vẫn chưa thể được xác minh danh tính. Điều này có thể xuất phát từ tình trạng thiếu thông tin và nguồn lực, hoặc đơn giản vì không được coi là ưu tiên hàng đầu. Các chuyên gia đánh giá số lượng người di cư thiệt mạng không rõ danh tính ngày càng tăng trên khắp thế giới là một cuộc khủng hoảng có thể so sánh với thương vong hàng loạt thời chiến.

Theo AP, gần 60% số người thiệt mạng được IOM ghi nhận trong thập kỷ qua đều liên quan đến đuối nước, đặc biệt tại Địa Trung Hải với hơn 28.000 trường hợp. Hàng nghìn vụ chết đuối cũng đã được ghi nhận ở biên giới Mỹ - Mexico, trên Đại Tây Dương, ở Vịnh Aden và ngày càng gia tăng ở Vịnh Bengal hoặc Biển Andaman.

Báo cáo cho biết: “Năng lực tìm kiếm và cứu hộ để hỗ trợ người di cư trên biển phải được tăng cường, phù hợp với luật pháp quốc tế và nguyên tắc nhân đạo”. Hiện tại, phần lớn hoạt động tìm kiếm và cứu hộ ở Địa Trung Hải do các tổ chức phi chính phủ thực hiện.

Khi “Dự án người di cư mất tích” được triển khai vào năm 2014, châu Âu đã tiến hành nhiều hoạt động tìm kiếm và cứu hộ. Chính phủ Italia cũng phát động “Mare Nostrum”, một sứ mệnh quy mô lớn giúp cứu sống hàng nghìn người. Nhưng các nhiệm vụ này dần bị cắt giảm do lo ngại sẽ khiến những kẻ buôn người đẩy người di cư vào tình thế nguy hiểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hành trình di cư ngày càng nguy hiểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.