Hồ sơ

Italia: Chưa thể giải quyết khủng hoảng di cư

Thương Nguyệt 15/09/2023 - 12:26

Số lượng lớn người di cư đến Italia bằng đường biển từ Bắc Phi tăng mạnh đang gây ra nhiều vấn đề cho chính phủ của Thủ tướng Giorgia Meloni sau cam kết sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn tình trạng này.

Kể từ ngày 1-1, gần 126.000 người di cư bằng đường biển đã đến Italia. Con số thống kê kỷ lục đã cho thấy thực tế trái ngược với những cam kết trong chiến dịch tranh cử của Thủ tướng Giorgia Meloni.

Theo xu hướng hiện tại, lượng người di dư đổ về Italia đang gần đạt mức cao nhất khoảng 181.500 người từng được ghi nhận năm 2016. Giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 8 cùng năm, khoảng 115.000 người di cư đã tới quốc gia này so với 114.526 người ở cùng kỳ năm 2023.

Hòn đảo "kêu cứu"

Điều kiện kinh tế - xã hội ngày càng tồi tệ ở Tunisia đã góp phần gia tăng số lượng người di cư, gây áp lực lớn lên đảo Lampedusa ở phía Nam Italia. Hòn đảo Địa Trung Hải, nằm giữa Tunisia, Malta và đảo Sicily của Italia, cũng là điểm đến đầu tiên đối với dòng người đang tìm cách đến Liên minh châu Âu (EU).

Thị trưởng Filippo Mannino cảm thấy sốc sau khi hàng nghìn người di cư từ Bắc Phi đến Lampedusa trên những chiếc thuyền mỏng manh. Chỉ trong thời gian ngắn, khoảng 7.000 người đã đặt chân lên hòn đảo này. Dù luôn chào đón với vòng tay rộng mở nhưng số lượng lớn người di cư đang khiến Lampedusa với dân số chỉ hơn 6.000 người rơi vào khủng hoảng.

dicuitalia1.png
Người di cư đợi lên phà vào đất liền tại đảo Lampedusa. Ảnh: Reuters

Thị trưởng Filippo Mannino kêu gọi EU và Chính phủ Italia phải can thiệp ngay lập tức thông qua các hoạt động hỗ trợ, trong khi Ủy viên phụ trách nội vụ EU Ylva Johansson cũng nhận định, khối này cần đưa ra phản ứng với tình trạng ở Lampedusa.

Những người di cư đến Lampedusa hoặc Sicily nhưng không ở lại mà thường di chuyển về phía Bắc, trong đó nhiều người tìm cách đến Bắc Âu. Do thiếu sự trợ giúp tài chính từ chính phủ, một số thành phố chịu gánh nặng lớn trong hỗ trợ người di cư, đặc biệt đối với trẻ vị thành niên không có người đi kèm.

Vấn đề chưa thể giải quyết

Dòng người di cư đổ về Italia đang trở thành vấn đề nhức nhối đối với chính phủ cánh hữu của Thủ tướng Giorgia Meloni. Sau khi đắc cử hồi tháng 10-2022, nữ Thủ tướng đầu tiên của quốc gia hình chiếc ủng cam kết sẽ thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm ứng phó với tình trạng này.

dicuitalia2.png
Thủ tướng Giorgia Meloni cam kết ứng phó dòng người di cư đổ về Italia. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Giorgia Meloni nhận định, một số hoạt động di cư hợp pháp có thể mang lại lợi ích kinh tế cho châu Âu song vẫn không thể là giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhân khẩu học tại lục địa này. Trong khi đó, Phó Thủ tướng Matteo Salvini chỉ trích việc thiếu sự ủng hộ từ các quốc gia thành viên EU, cho rằng dòng người di cư là “cái chết của châu Âu”.

Tháng 7 vừa qua, những nỗ lực của Thủ tướng Giorgia Meloni đã giúp EU và Tunisia đạt thỏa thuận ngăn chặn dòng người di cư nhưng hiệp ước này cho đến nay gần như không hiệu quả. Trong bối cảnh đó, Italia đang gấp rút thúc đẩy thỏa thuận tương tự với các quốc gia khác để tăng cường khả năng ứng phó.

Những động thái quyết liệt

Chính phủ của Thủ tướng Giorgia Meloni có đường lối cứng rắn đối với các tổ chức từ thiện vướng cáo buộc hợp tác với những kẻ buôn người và khuyến khích người di cư tìm đường đến quốc gia khác với niềm tin sẽ được giải cứu.

Những biện pháp mạnh tay được áp dụng với các tổ chức từ thiện gồm tịch thu thuyền, cấm thực hiện nhiều hoạt động giải cứu và buộc phải di chuyển quãng đường xa hơn để đưa người di cư lên bờ. Sau vụ đắm tàu hồi tháng 2 khiến ít nhất 94 người di cư thiệt mạng, Italia quyết định tăng mức án tù đối với tội phạm buôn người, nhưng cũng tăng số lượng giấy phép lao động để hỗ trợ những trường hợp di cư hợp pháp.

dicuitalia3.png
Các tổ chức từ thiện gặp khó khăn trước những biện pháp quyết liệt của chính phủ. Ảnh: Reuters

Hiện, các tổ chức từ thiện đang thiếu cơ sở tiếp nhận người di cư sau khi Chính phủ Italia cắt giảm kinh phí. Họ cũng kêu gọi mở thêm các tuyến di cư hợp pháp, giảm định kiến đối với hoạt động giải cứu và đơn giản hóa quy trình hợp pháp hóa đối với những người di cư đã đến quốc gia này.

Trong bối cảnh dân số giảm và thiếu lao động, chính phủ của Thủ tướng Giorgia Meloni phần nào chú ý đến những lời kêu gọi khi đã nâng hạn ngạch nhập cảnh đối với lao động nhập cư ngoài EU lên 452.000 người trong giai đoạn 2023-2025 so với khoảng 83.000 người hồi năm 2022, đồng thời, cam kết cấp thêm kinh phí cho trẻ vị thành niên không có người đi cùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Italia: Chưa thể giải quyết khủng hoảng di cư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.