(HNM) - Dịp Tết là thời điểm giá cả hàng hóa thường tăng vọt. Năm nay, sức mua kém khiến nhiều doanh nghiệp đang phải cố gắng kiềm chế giá để kích cầu, tuy nhiên những ngày qua, giá bán các mặt hàng thiết yếu dành cho dịp Tết đã bắt đầu nhích lên.
Hàng Tết bắt đầu tăng giá
Dù chưa bị tác động bởi giá điện, nhưng nhiều mặt hàng thực phẩm ở các chợ đã bắt đầu tăng giá do đang vào mùa sản xuất hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán và dịp Giáng sinh, Tết Dương lịch. Theo Ban Quản lý hai chợ đầu mối Bình Điền (quận 8) và Hóc Môn (huyện Hóc Môn), lượng thịt lợn về hai chợ này khoảng 580 tấn/ngày đêm, tăng 30 tấn so với tuần trước. Tuy nhiên, do nhu cầu tăng mạnh nên theo các tiểu thương chợ đầu mối Bình Điền, giá thịt lợn đã tăng khoảng 5.000-8.000 đồng/kg tùy loại so với cách đây hai tuần. Giá gà cũng tăng, nhất là gà Tam hoàng nguyên con với mức tăng 5.000-7.000 đồng/kg. Nguyên nhân vì nguồn cung giảm do trước đó nhiều người chăn nuôi đã phải đóng cửa chuồng trại do thua lỗ. Ở các chợ trên địa bàn, giá trứng gà, trứng vịt cũng tăng 2.000-4.000 đồng/chục. Hiện trứng gà 26.000-27.000 đồng/chục, trứng vịt khoảng 32.000 - 33.000 đồng/chục. Theo bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, giá tăng do cầu đang tăng vì trứng là nguyên liệu làm nhiều loại bánh.
Giá các mặt hàng Tết tăng theo giá điện.
Giá bánh kẹo, mứt, thực phẩm khô cũng đã nhích lên mỗi ki lô gam vài ngàn đồng. Ở chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), giá các loại mứt tăng khoảng 10% so với năm trước. Mứt hạt sen khoảng 150.000 đồng/kg, mứt bí khoảng 80.000 đồng, mít sấy khoảng 180.000 đồng/kg, hạt hướng dương khoảng 70.000 đồng/kg, hạt điều loại I khoảng 340.000 đồng/kg, hạt dẻ loại I khoảng 300.000 đồng. Giá các loại thực phẩm khô và đặc sản dành cho ngày Tết cũng tăng từ 5% đến 10%. Hiện tôm khô loại nhỏ có giá khoảng 550.000 đồng/kg, tôm khô cỡ vừa khoảng 700.000 đồng/kg và tôm khô cỡ lớn hơn 800.000 đồng/kg...
Giá thị trường tăng khiến các doanh nghiệp bán hàng bình ổn trên thị trường cũng phải xin tăng giá và đã được Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh cho phép tăng khoảng 13%-18% một số mặt hàng. Giá gà thả vườn tăng 18,5% lên 65.000 đồng/kg, gà ta tăng 13% lên 95.000 đồng/kg, thịt vịt tăng 14% lên 58.000 đồng/kg, trứng gà trứng vịt tăng khoảng 15%...
"Trăm dâu" đổ đầu... người tiêu dùng!
Trong khi giá cả đang rục rịch tăng thì ngành điện lại tăng giá khiến cả doanh nghiệp và người tiêu dùng lo lắng. Các doanh nghiệp cho rằng, trong khi nhà nước muốn các công ty sản xuất hàng thiết yếu kiềm chế giá đầu ra, giá cả được bình ổn thì lại để cho ngành điện tăng giá. Mà khi đã "xả" cho ngành điện sẽ tác động dây chuyền đến các ngành hàng khác tạo ra một mặt bằng giá mới trong thời điểm "nhạy cảm" là Tết Nguyên đán đang cận kề. Nhiều doanh nghiệp than đang bị giá đầu vào gây sức ép. Theo một doanh nghiệp ngành sữa, dù chưa bị tác động giá điện, còn giá xăng dầu vẫn giữ nguyên nhưng hiện chi phí vận chuyển hàng hóa đã tăng khoảng 10%, vào những ngày áp Tết khả năng sẽ tăng khoảng 20%, nguyên nhân vì xe chạy có một chiều để vận chuyển hàng. Cũng theo doanh nghiệp này, ngành điện năm nay có lãi mà vẫn tăng giá để "bù" khoản lỗ cho các năm trước là không thể chấp nhận. Mặt khác, nếu thật sự cần tăng thì cũng không thể tăng vào thời điểm này vì sẽ tăng gánh nặng rất lớn cho thị trường; còn nếu muốn được người dân chia sẻ thì cũng không nên tăng 5% mà chỉ nên tăng 1% - 2% và các khoản lỗ sẽ được giải quyết trong 3 - 5 năm. Đại diện Công ty TNHH SX-TM Hương Mi ở ngành hàng túi xách thì cho biết, dù không phải là đơn vị sử dụng nhiều điện như các ngành thực phẩm phải bảo quản lạnh hay như sắt, thép... nhưng giá điện tăng 5% cũng tạo thêm áp lực rất nặng cho doanh nghiệp. Từ đầu năm đến nay công ty đã hết sức kiềm giữ giá để khuyến khích sức mua. Điều đáng lo là khi giá điện tăng thì nguyên vật liệu cũng tăng giá sẽ tạo ra áp lực trên chi phí đầu vào, khiến doanh nghiệp tăng giá thì không dám mà giữ giá thì có thể bị lỗ.
Dù nhiều doanh nghiệp cho biết sẽ cố gắng kiềm giữ giá để kích cầu sức mua, nhưng các doanh nghiệp hiện cũng đã "đuối sức" vì khó khăn. Mặt khác, đầu vào tăng giá thì buộc đầu ra phải tăng giá và như vậy thì chỉ có người tiêu dùng là "lãnh đủ". Giá điện tăng thì người dân luôn là đối tượng bị thiệt nhiều nhất, vì tăng giá điện không phải là tăng vài chục ngàn đồng mỗi tháng, mà giá điện tăng sẽ tác động dây chuyền đến các ngành hàng khác làm giá cả hàng hóa tăng, nhất là trong thời điểm "nhạy cảm" là Tết Nguyên đán đang đến gần như hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.