Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hàng nghìn héc ta lúa, hoa màu ở Ba Vì vẫn chìm trong nước

Việt Phong| 31/08/2016 07:02

(HNM) - Cơn bão số 3 đã đi qua gần 10 ngày, nhưng hàng nghìn héc ta lúa, hoa màu, thủy sản của huyện Ba Vì vẫn chìm trong nước. Một số xã, 100% diện tích cây trồng vụ mùa bị ngập trắng, thiệt hại về kinh tế khó có thể đong đếm...

Thiệt hại lớn

Ngày 30-8, trên các cánh đồng của nhiều xã ven sông Tích thuộc huyện Ba Vì vẫn ngập trong biển nước. Ông Phùng Chu Khanh, thôn Cổ Chông, xã Vật Lại cho biết: Gia đình có hơn 4ha nuôi trồng thủy sản và 3 sào lúa bị ngâm trong nước gần chục ngày qua. "Vụ mùa năm nay coi như thất thu” - ông Khanh xót xa. Tương tự, ông La Hữu Bá, thôn Vật Lại 2, cũng buồn rầu cho biết: Gia đình có 7 sào lúa mùa thì gần 4 sào vẫn ngập trắng, số còn lại ngập sâu, năng suất giảm là không tránh khỏi...

Những ruộng lúa, rau màu ở xã Vật Lại, Ba Vì ngập trong nước.



Theo Phó Chủ tịch UBND xã Vật Lại Phùng Huy Kiên: Vụ mùa năm nay, toàn xã gieo cấy hơn 397ha lúa, hơn 100ha rau các loại và gần 100ha nuôi trồng thủy sản. Cơn bão số 3 kèm theo mưa lớn vừa qua đã khiến 239ha lúa, gần 90ha rau màu và thủy sản bị ngập, thiệt hại ước tính hơn 10 tỷ đồng. “Xã có gần 3.000 hộ sản xuất nông nghiệp thì 100% số hộ có diện tích sản xuất bị ngập. Nông dân trong xã chủ yếu làm nông nghiệp, nay mất hết sẽ rất khó khăn” - ông Phùng Huy Kiên nói.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Ngô Vy Khả cho biết: Do mưa lớn khiến nước sông Tích dâng cao. Trong khi đó, hệ thống kênh tiêu trên địa bàn huyện Ba Vì bị tê liệt, nước chảy tràn qua bờ, ngược vào trong nội đồng gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp, sạt lở đất vùng bãi ven sông. Chưa hết, do ảnh hưởng của rãnh thấp đêm ngày 27 và 28-8, trên địa bàn huyện tiếp tục xuất hiện mưa dông với lượng mưa trung bình đo được 51mm, cá biệt có nơi lượng mưa gần 100mm như: Sơn Đà, Suối Hai, Cổ Đô… Đến 17h ngày 30-8, toàn huyện có 2.241ha cây trồng bị ngập, trong đó có 1.769ha lúa bị ngập, 680ha lúa bị ngập nặng, nguy cơ mất trắng cao. Ngoài ra, 142ha hoa màu, hơn 330ha thủy sản bị thiệt hại. Ước thiệt hại về kinh tế khoảng 100 tỷ đồng. Đáng ngại, tình hình sạt lở đất bao bờ sông Tích, sông Hồng, sông Đà ngày càng nghiêm trọng, đe dọa đến cuộc sống của nhân dân các xã Thái Hòa, Đông Quang, Cam Thượng… và một vài vị trí trên đê hữu Đà.

Tập trung khắc phục

Ngay sau khi mưa bão xảy ra, UBND huyện đã chỉ đạo chính quyền địa phương huy động lực lượng đắp bờ bao ngăn nước vào đồng, song do lượng nước quá lớn, khả năng tiêu úng hạn chế dẫn đến diện tích lúa, rau màu bị ngập nặng. Theo ông Nguyễn Đình Dần, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì: Dù tích cực chỉ đạo tiêu úng và gia cố bờ vùng, bờ bao phòng chống úng nội đồng trước và sau bão nhằm bảo vệ lúa, rau màu và thủy sản, tuy nhiên, nước trên sông Tích và các kênh tiêu của huyện vẫn ở mức cao, tiêu thoát chậm; tình trạng ngập úng nội đồng và sạt lở đất bờ sông trên địa bàn huyện diễn ra ngày càng nghiêm trọng... Trước thực trạng này, huyện Ba Vì đã có văn bản thống kê thiệt hại báo cáo thành phố và Sở NN&PTNT Hà Nội. “Hiện vụ mùa nông dân thiệt hại lớn, giờ chỉ mong thành phố quan tâm hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất. Đặc biệt, đối với vụ đông năm nay, huyện kiến nghị thành phố hỗ trợ giống cho nông dân triển khai sớm vụ đông với những giống năng suất, hiệu quả cao như ngô, đậu, hoa… bù thiệt hại do vụ mùa bị thất thu do mưa bão" - ông Nguyễn Đình Dần nói.

Để khắc phục tình trạng ngập trên, Sở NN&PTNT Hà Nội cần chỉ đạo các công ty thủy lợi và các huyện vùng hạ lưu sông Tích có biện pháp khơi thông dòng chảy, tiêu thoát nước nhanh để cứu lúa, hoa màu và thủy sản. Về lâu dài, cần ưu tiên đầu tư xây dựng cải tạo, nạo vét vùng hạ lưu sông Tích để bảo đảm tiêu thoát nước; đồng thời nghiên cứu biện pháp thoát nước ra sông Hồng. Đặc biệt, Sở NN&PTNT cần nhanh chóng kiểm tra các vị trí sạt lở bờ sông Hồng trên địa bàn huyện để bảo đảm an toàn đê điều và tính mạng, tài sản cho nông dân...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hàng nghìn héc ta lúa, hoa màu ở Ba Vì vẫn chìm trong nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.