Hiệp hội các hãng hàng không châu Âu ngày 18/4 kêu gọi các chính phủ châu lục này đánh giá lại ngay lập tức lệnh hạn chế bay trong bối cảnh lệnh trên gần như biến không phận châu Âu thành
Hiệp hội các hãng hàng không châu Âu ngày 18/4 kêu gọi các chính phủ châu lục này đánh giá lại ngay lập tức lệnh hạn chế bay trong bối cảnh lệnh trên gần như biến không phận châu Âu thành "vùng cấm bay."
Hành khách nằm ngủ tại sân bay Stansted ở Horley, nước Anh do các chuyến bay bị hủy bỏ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Hiệp hội cho biết lệnh hạn chế bay, được áp dụng sau khi một núi lửa tại sông băng Eyjafjallajokull ở Iceland hoạt động, đang tàn phá ngành công nghiệp hàng không thế giới và khiến dư luận nghi ngờ tính thỏa đáng của quyết định hạn chế bay.
Tổ chức đại diện cho 30 hãng hàng không lớn của châu Âu này đề nghị cho phép các hãng hàng không tự quyết định tái khởi động những tuyến bay không nguy hiểm vì một số hãng đang có nguy cơ phá sản vì lệnh trên, và đây cũng là nhu cầu của hành khách.
Hơn nữa, một số hãng hàng không châu Âu đã tiến hành hơn một chục chuyến bay thử nghiệm trong các ngày cuối tuần vừa qua mà không gặp sự cố nào.
Theo thống kê của Hội đồng các sân bay quốc tế, khoảng 30 nước trên thế giới đã đóng cửa hoặc hạn chế mở cửa không phận sau khi có cảnh báo tro bụi từ núi lửa có thể phá hỏng động cơ máy bay, đe dọa an toàn bay.
Tại châu Âu, ít nhất 313 sân bay bị tê liệt, khiến 6,8 triệu hành khách bị mắc kẹt và gây thiệt hại cho các hãng hàng không châu Âu tới 136 triệu euro (183 triệu USD) kể từ khi lệnh này được áp dụng ngày 15/4 vừa qua. Trong 4 ngày qua (15-18/4) đã có khoảng 63.000 chuyến bay tại châu Âu bị hủy bỏ, trong đó riêng ngày 18/4 có tới 20.000 chuyến.
Các sân bay tại một số nước vùng Vịnh buộc phải tổ chức ăn, nghỉ miễn phí cho hơn 5.000 người trong số hơn 7.000 hành khách quá cảnh bị mắc kẹt tại đây, tốn kém hơn một triệu USD/ngày. Sân bay Changi và các hãng hàng không ở Singapore cũng phải tổ chức các dịch vụ tương tự cho hành khách bị mắc kẹt.
Bất chấp những đám tro bụi lớn phát ra từ núi lửa ở Iceland vẫn tiếp tục lan từ vòng Bắc Cực đến bờ biển Địa Trung Hải của Pháp và từ Tây Ban Nha sang Nga, các nhà địa chất Iceland dự báo đợt phun trào này có thể chấm dứt trong vòng vài giờ hoặc vài ngày tới. Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo núi lửa Katla gần đó cũng đang có dấu hiệu phun trào.
Đây là một trong hai núi lửa hoạt động tích cực nhất ở Iceland với 17 lần phun trào kể từ năm 1.000 sau Công nguyên./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.