Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hãng Hàng không quốc gia Pháp (Air France): Rối loạn vì đình công

Quỳnh Chi| 20/09/2014 06:54

(HNM) - Hãng Hàng không quốc gia Pháp (Air France) vừa trải qua tuần lễ khủng hoảng khi các phi công tiến hành cuộc đình công kéo dài nhất kể từ năm 1998.


Nổ ra từ ngày 15-9, cuộc đình công do nghiệp đoàn chính đại diện cho các phi công là SNPL kêu gọi đã khiến Air France phải hủy khoảng 50% số chuyến bay mỗi ngày. Điều này buộc hãng hàng không lớn nhất nước Pháp phải kêu gọi những khách hàng đặt vé bay trong thời gian từ ngày 15 đến 22-9 lùi thời gian bay, đổi vé (miễn phí) hoặc đề nghị hoàn lại tiền vé.

Giao thông bằng đường hàng không tại Pháp bị đình trệ.


Đại diện SNPL cho biết, có tới 60% số phi công tham gia đình công để phản đối Air France mở rộng chi nhánh hàng không giá rẻ Transavia. Các nghiệp đoàn lo ngại điều này sẽ dẫn đến việc hãng phải thuê thêm lao động bên ngoài và thuê lao động địa phương, gây ảnh hưởng tới lương bổng của các phi công đã và đang làm việc tại Air France. Theo tính toán, chi phí sử dụng lao động theo giờ của một phi công làm tại chi nhánh Transavia ít hơn phi công làm việc tại công ty mẹ Air France 40%. Bên cạnh đó, các nghiệp đoàn cũng lo ngại, sự xuất hiện của Transavia sẽ khiến Air France bị thu hẹp thị phần. Hiện tại, mức lương trung bình của một phi công Air France là khoảng 75.000 euro mỗi năm, trong khi cơ trưởng của chuyến bay đường dài có thể kiếm 250.000 euro.

Đứng trước khoản thiệt hại lên tới 10-15 triệu euro/ngày, Air France đã tổ chức nhiều cuộc đàm phán với các nghiệp đoàn về việc chấm dứt đình công sớm và đưa ra một số nhượng bộ như bảo đảm rằng, Air France sẽ không bị thay thế bởi Transavia France như các phi công lo ngại và cam kết Transavia không mở đường bay tới Paris, Lyon, Nantes và Toulouse. Tuy nhiên, kết quả của các cuộc thương lượng vẫn ở trong ngõ cụt.

Khác với cuộc đình công trước đây của giới lao động, lần này việc các phi công bãi công đã khiến việc vận tải bằng đường không của Pháp tê liệt, do vậy không nhận được sự đồng tình của dư luận nước này. Nhiều ý kiến cho rằng, mức lương các phi công được trả đã quá cao và hành động của những người này có phần ích kỷ khi gây ảnh hưởng tới rất nhiều hành khách và giao thông hàng không. Cuộc đình công cũng khiến hình ảnh của nước Pháp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều người lo ngại, trong thời gian tới doanh thu ngành du lịch Pháp sẽ giảm sút vì các cuộc đình công triền miên của những nghiệp đoàn giao thông vận tải. Thủ tướng Manuel Valls cũng đã phải lên tiếng yêu cầu các phi công trở lại làm việc.

Hiện nay, trên các tuyến bay trung bình, Air France đang chịu sự cạnh tranh dữ dội từ các hãng hàng không giá rẻ như Easyjet, Ryanair, Vueling... Trong giai đoạn kinh tế khó khăn và áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng, Air France buộc phải tìm đến giải pháp mở chi nhánh Transavia nhằm tiết kiệm 1 tỷ euro trong vài năm tới. Hãng dự định chuyển phần lớn hoạt động tại Châu Âu cho công ty hàng không con này từ năm 2015 và sẽ thu dụng phi công và nhân viên tại chỗ. Vấn đề nằm ở chỗ, hiện nay Luật Lao động Pháp có rất nhiều điều khoản nhằm bảo vệ người lao động. Điều này khiến các công ty gặp khó khăn khi sa thải nhân công hoặc điều chỉnh hợp đồng. Chính vì vậy, Air France sẽ còn phải khổ sở vì bài toán "cơm áo gạo tiền" khi đối diện với sức ép từ nhiều phía.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hãng Hàng không quốc gia Pháp (Air France): Rối loạn vì đình công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.