Theo Reuters ngày 11-3, Hàn Quốc bắt đầu triển khai các bác sĩ quân y và bác sĩ từ các trung tâm y tế công cộng đến các bệnh viện để giúp chăm sóc các bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi cuộc đình công của gần 12.000 bác sĩ thực tập phản đối kế hoạch cải cách của Chính phủ nước này.
Bộ trưởng Y tế Cho Kyoo-hong cho biết trong một cuộc họp rằng, 20 bác sĩ phẫu thuật của quân đội cùng với 138 bác sĩ y tế công cộng sẽ được phân công tới 20 bệnh viện trong 4 tuần.
Theo thông tin tại một cuộc họp báo của Bộ Quốc phòng, số lượng bác sĩ quân y được kêu gọi giúp đỡ cho đến nay chỉ là một phần nhỏ trong số khoảng 2.400 bác sĩ quân y.
Chính phủ Hàn Quốc phủ nhận cuộc đình công bắt đầu vào ngày 20-2 đã gây ra một cuộc khủng hoảng y tế toàn diện, nhưng một số bệnh viện đã phải từ chối bệnh nhân và trì hoãn các thủ tục y tế.
Tính đến sáng 8-3, gần 12.000 bác sĩ đình công tại 100 bệnh viện để phản đối kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào trường y của Chính phủ Hàn Quốc.
Chính phủ nước này đã cố gắng thuyết phục các bác sĩ quay trở lại làm việc bằng cảnh báo rằng, giấy phép hành nghề của các bác sĩ có thể bị đình chỉ, nhưng cho đến nay dường như biện pháp này chưa mấy thành công.
Bộ Y tế cho biết, các thông báo đã được gửi tới hơn 4.900 bác sĩ tính đến cuối tuần qua để thông báo chính quyền có thể bắt đầu đình chỉ giấy phép nếu họ không giải thích hành động của mình.
Trong sáng nay, phát biểu trên đài phát thanh KBS, Bộ trưởng Y tế Cho Kyoo-hong nêu rõ, các bác sĩ trở lại làm việc trước khi biện pháp hành chính đình chỉ giấy phép được hoàn tất sẽ được “khoan dung”. Chính phủ có quyền ra lệnh cho các bác sĩ trở lại làm việc nếu xét thấy có nguy cơ nghiêm trọng đối với tính mạng và sức khỏe cộng đồng.
Theo Chính phủ Hàn Quốc, kế hoạch tăng 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh vào trường y hằng năm bắt đầu từ năm 2025 là rất quan trọng để khắc phục tình trạng thiếu bác sĩ tại một trong quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới.
Trong khi đó, các bác sĩ đình công lập luận rằng, chỉ tuyển thêm sinh viên y khoa sẽ không giải quyết được vấn đề lương và điều kiện làm việc, đồng thời có thể khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn.
Một cuộc khảo sát được hãng tin Yonhap công bố vào tuần trước cho thấy, 84% số người được hỏi ủng hộ việc bổ sung bác sĩ, trong khi 43% cho rằng, các bác sĩ đình công nên bị trừng phạt nghiêm khắc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.