Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hạn chế và thích ứng

Đỗ Quỳnh Chi| 05/08/2018 06:29

(HNM) - Đến thời điểm này, nhiều xã của huyện Chương Mỹ cùng một phần của huyện Quốc Oai, Mỹ Đức đang phải hứng chịu hậu quả do đợt lũ lớn chưa từng có kéo dài từ nửa cuối tháng 7 đến nay gây ra.


Tác hại do lũ rừng ngang kết hợp mưa lớn, khả năng tiêu thoát nước bị hạn chế đã rõ. Hàng nghìn héc ta hoa màu, lúa, nuôi trồng thủy sản đã mất trắng; hàng vạn gia súc, gia cầm… đã bị cuốn theo dòng nước hung dữ. Riêng huyện Chương Mỹ vẫn còn tới 3.600 hộ dân có nhà cửa bị ngập sâu. Cùng với đó là nguy cơ dịch bệnh, ô nhiễm môi trường đang trực chờ… Tuy nhiên, phải khẳng định rằng đến thời điểm này, chính sự chủ động, vào cuộc tích cực của thành phố, địa phương và người dân sở tại theo phương châm "4 tại chỗ" nên thiệt hại đã được giảm thiểu đáng kể.

Kiểm tra, chỉ đạo các giải pháp khắc phục hậu quả mưa lũ tại huyện Chương Mỹ sáng 4-8, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã ghi nhận, đánh giá cao công tác ứng phó với tình hình mưa lũ của huyện thời gian qua, đồng thời nhắc nhở: Úng ngập có thể còn kéo dài nên lãnh đạo các cấp phải bám sát địa bàn, thường xuyên nhắc nhở để người dân không chủ quan, mất cảnh giác.

Nhắc lại mực nước đỉnh lũ sông Bùi ngày 30-7 là 7,51m, đồng chí Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, đây là mực nước cao hơn nhiều so với đợt lũ năm 2017 và cao hơn cả năm 2008, cho thấy sự biến đổi khí hậu rất lớn. Vì vậy, phải đầu tư hệ thống công trình để đối phó với tình hình thời tiết cực đoan.

Chỉ đạo của đồng chí lãnh đạo cao nhất của thành phố chính là những giải pháp căn bản để phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai nói chung và lũ rừng ngang kết hợp với các hiện tượng thời tiết cực đoan khác nói riêng, có hiệu quả, cần triển khai đồng bộ trong thời gian tới.

Trước hết, thành phố sẽ sớm nghiên cứu, triển khai dự án cứng hóa, nâng cao trình chống lũ của các tuyến đê hiện có, để có thể chống chịu được những trận lũ dự báo sẽ còn lớn hơn, khắc nghiệt hơn. Hệ thống đê cần được quy hoạch hoàn chỉnh bám theo hệ thống sông để tăng khả năng che chắn. Các khu vực nhận lũ, thoát lũ cũng cần được xem xét, quy hoạch lại, từ đó nạo vét những con sông chính hiện có kết hợp xem xét mở thêm các tuyến kênh đào để thu và tiêu thoát lũ rừng ngang để tăng năng lực tiêu thoát nước.

Vẫn là nhiệm vụ của công tác quy hoạch - ấy là trên cơ sở diễn biến thực tế, cần xem xét quy hoạch các khu dân cư thích ứng với biến đổi khí hậu, để có căn cứ di dời, tái định cư kết hợp với các giải pháp công trình phù hợp điều kiện mưa lũ. Về sản xuất, cũng cần xem xét tính đếm đến cơ cấu cây trồng, vật nuôi sao cho mùa vụ, nhịp sản xuất thích hợp với chu kỳ thời tiết trong vùng.

Cũng cần nói thêm, để hạn chế thiệt hại do lũ rừng ngang thì vấn đề bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng; khơi thông các dòng sông: Bùi, Tích, Đáy, Hoàng Long... cần mang tầm liên vùng, mới có thể giải quyết tối ưu. Đây cũng chính là "đầu bài" cho đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, cũng như trong xác định các hoạt động hợp tác, liên kết vùng.

Con người không thể loại trừ thiên tai nhưng có thể hạn chế và tìm các biện pháp thích ứng để giảm nhẹ thiệt hại của thiên tai. Phòng, chống lũ rừng ngang gây tác hại cho dân cư ngoại thành cần cả những giải pháp hạn chế và thích ứng như vậy!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạn chế và thích ứng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.