Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, sáng 21-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Không lấy đất lúa tràn lan, đại trà làm nhà ở thương mại
Nhiều đại biểu nhất trí với nội dung dự thảo Nghị quyết nhằm tháo gỡ khó khăn về pháp lý cho các dự án nhà ở thương mại, tháo gỡ khó khăn về nguồn cung của các dự án bất động sản trong bối cảnh giá bất động sản tăng cao một phần nguyên nhân là việc tiếp cận đất đai của nhà đầu tư còn khó khăn.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu băn khoăn rằng việc thực hiện thí điểm dự thảo Nghị quyết cần tính toán, xem xét lại thực trạng nhà ở thương mại tại các địa phương hiện nay cũng như sự phù hợp với kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương đã được phê duyệt, quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng đất...
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) đồng tình với việc thực hiện thí điểm trên phạm vi toàn quốc nhưng không phải mang tính chất đại trà, chung chung. Đại biểu cũng đánh giá cao việc thiết kế tại Nghị quyết cho thí điểm trên phạm vi toàn quốc nhưng đối với các dự án nào, tiêu chí nào. Trong đó, với những quy định trong dự thảo Nghị quyết sẽ chắc chắn chỉ áp dụng với khu vực đô thị, không có chuyện lấy đất lúa, đất nông nghiệp một cách đại trà, tràn lan để thực hiện Nghị quyết.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Công Long (Đoàn Đồng Nai) cho rằng: "Hiện chúng ta đã hoàn thiện cơ bản hệ thống pháp lý trong lĩnh vực đất đai, bất động sản. Do vậy, khi Nghị quyết này được ban hành sẽ có 2 mặt bằng pháp lý, việc này tác động đến thị trường bất động sản ra sao cần được nghiên cứu kỹ".
Đại biểu Nguyễn Công Long đặt câu hỏi, giá bất động sản tăng phi mã, người lao động, cán bộ, công chức vài trăm năm mới mua được nhà. Vậy tại sao cơ chế trong Nghị quyết này không được áp dụng với nhà ở xã hội mà chỉ có nhà ở thương mại.
Đại biểu cũng đề nghị cần cân nhắc phạm vi thí điểm, hạn chế tình trạng đầu tư đất đai, thu gom đất nông nghiệp. Bên cạnh đó, phải có các giải pháp chống tình trạng hợp thức hoá mua gom đất đai, như vụ Công ty địa ốc Alibaba.
Cùng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đoàn Đồng Nai) đặt vấn đề: Tại nhiều địa phương, nhà ở thương mại được xây dựng rất nhiều, không ít khu vực nhà xây xong không có người ở, trong khi đó nhà ở có nhu cầu thực sự là nhà ở xã hội. Vậy tại sao không tập trung cho nhà ở xã hội?
“Công nhân, cán bộ công chức bốc thăm 5 lần 7 lượt mua nhà ở xã hội rất khó. Khu vực đất đẹp đã xây nhà ở thương mại hết nhưng không có người ở. Do đó, Quốc hội cần xem xét tháo gỡ vấn đề này”, đại biểu Đỗ Huy Khánh nhấn mạnh.
Bảo đảm giữ ổn định 3,5 triệu héc-ta đất trồng lúa
Cho ý kiến về quy định đối với diện tích đất quốc phòng, an ninh đã được quy hoạch đưa ra khỏi đất quốc phòng, đất an ninh, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cho rằng, theo Khoản 3 Điều 3 dự thảo Nghị quyết, đối với diện tích đất quốc phòng, đất an ninh đã được quy hoạch đưa ra khỏi đất quốc phòng, đất an ninh, phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở thì ưu tiên giao Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức thực hiện dự án nhà ở thương mại để ưu tiên bán, cho thuê, cho thuê mua đối với cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang
Trong khi đó, phần diện tích nhà, đất còn lại (nếu có) được bán, cho thuê, cho thuê mua đối với các đối tượng khách hàng khác có nhu cầu theo quy định của pháp luật. Việc thực hiện sắp xếp, xử lý tài sản công là đất quốc phòng, đất an ninh, tài sản trên đất quốc phòng, đất an ninh quy định tại khoản này thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 83 của Luật Đất đai. “Quân đội, Công an là lực lượng đặc thù, việc bảo đảm nhà ở cho họ yên tâm công tác là rất cần thiết. Tôi tán thành quy định này”, đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh.
Thảo luận về thí điểm cơ chế cho dự án nhà ở thương mại, theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp), nếu áp dụng tỉnh này mà không áp dụng tỉnh khác sẽ tạo ra cơ chế xin - cho. Trên thực tế có những trường hợp doanh nghiệp đã xây dựng nhưng bị sai phạm mà không hợp thức hóa, rất lãng phí nguồn lực xã hội, đất nước.
“Mặc dù không phải ngân sách của nhà nước, nhưng doanh nghiệp cũng là nguồn lực của xã hội, doanh nghiệp họ cũng phải đi vay ngân hàng, doanh nghiệp chết thì kéo theo ngân hàng cũng chết”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói và cho rằng đây là vấn đề quan trọng và cần thiết để ban hành dự thảo Nghị quyết này.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến mục đích của việc ban hành Nghị quyết. Theo đó, mục đích nhằm bổ sung thêm phương thức tiếp cận đất đai để thực hiện các dự án nhà ở thương mại mà các quy định pháp luật hiện nay chưa cho phép.
Phân tích về 2 cơ chế dịch chuyển đất (nhà nước thu hồi đất thông qua đấu giá hoặc thu hồi; người dân thỏa thuận với doanh nghiệp hoặc nhà đầu tư có đất muốn nhà nước cho phép chuyển đổi) để thực hiện các dự án nhà ở thương mại, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, các quy định của pháp luật hiện nay vẫn còn những hạn chế đối với việc tiếp cận đất đai trong triển khai các dự án nhà ở thương mại, đặc biệt liên quan đến quy mô diện tích nhỏ ở mức 2ha.
“Việc ban hành nghị quyết giúp các địa phương, nhất là những địa phương chỉ có các dự án quy mô nhỏ mở mức 2ha mà quy định của pháp luật chưa cho phép, giúp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận đất đai để triển khai thực hiện dự án”, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy giải thích.
Về quy định đối với diện tích đất quốc phòng, an ninh đã được quy hoạch đưa ra khỏi đất quốc phòng, đất an ninh (Khoản 3 Điều 3), Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng việc triển khai dự án phải được sự chấp thuận của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo quy định.
Vì thế, nếu dự án nào đáp ứng được các yêu cầu theo quy định của pháp luật thì sẽ được chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với 3 loại đất: Đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở và đất ở vì mục đích khác.
Đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực khi sử dụng đất trồng lúa, đất trồng rừng, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định, vấn đề này được kiểm soát chặt chẽ ngay từ khâu lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia cho đến quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cũng như lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.
Trong các quy hoạch, kế hoạch chúng ta đều xác định rõ có bao nhiêu diện tích đất nông nghiệp được chuyển mục đích khác để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm cả các dự án để thực hiện Nghị quyết này và các dự án nhà ở xã hội.
“Dù thực hiện theo cơ chế nào thì các dự án trong Nghị quyết này đều phải tuân theo các quy hoạch trên, theo đó giữ ổn định 3,5 triệu héc-ta đất trồng lúa”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.