An toàn thực phẩm luôn là vấn đề thời sự được toàn xã hội quan tâm, bởi có những tác động trực tiếp tới chất lượng cuộc sống, sức khỏe và tính mạng của người dân. Do đó, cùng với sự nỗ lực trong quản lý, kiểm tra, giám sát của các ngành chức năng, thời gian qua, các địa phương của thành phố Hà Nội đã đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm.
Thiếu kiến thức về an toàn thực phẩm
Hiện nay, nhiều người dân vẫn còn thiếu kiến thức về an toàn thực phẩm, vẫn có thói quen tiêu dùng những sản phẩm hàng hóa không rõ thông tin nguồn gốc, xuất xứ, thường giữ thói quen “tiện đường, tiện mua”, nên có nguy cơ ngộ độc cao. Trong khi đó, ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với sức khỏe cộng đồng chưa cao. Bà Nguyễn Thị Nhung ở xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) cho biết, hằng ngày, gia đình bà vẫn sử dụng các loại thực phẩm, như: Thịt, cá, sản phẩm chế biến sẵn mua tại chợ dân sinh, chưa quan tâm tới nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm…
Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội hầu hết nhỏ lẻ, mang tính chất hộ gia đình, chưa thực hiện tốt các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, nguy cơ ô nhiễm thực phẩm ngày càng tăng cao. Hệ thống quản lý, giám sát, cảnh báo nguy cơ ô nhiễm còn hạn chế. Một số ban chỉ đạo cấp xã, thị trấn chưa quan tâm đến công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, triển khai chỉ mang tính hình thức.
Một số đoàn thanh tra, kiểm tra của tuyến xã, thị trấn chưa đủ mạnh, kinh nghiệm trong công tác kiểm tra và xử lý còn yếu, nên trong quá trình thực hiện hiệu quả chưa cao. Khi phát hiện các cơ sở vi phạm, các đoàn thanh tra chủ yếu là nhắc nhở, chưa đưa ra các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đúng mức, nên không có tính răn đe.
Trước thực trạng trên, ngoài biện pháp quản lý sát sao của các cấp, ngành chức năng, chính người dân (dù với góc độ là người sản xuất, kinh doanh hay tiêu dùng) đều phải có trách nhiệm chung tay bảo đảm an toàn thực phẩm, đẩy lùi mọi hành vi vi phạm pháp luật, đe dọa tới an toàn sức khỏe, tính mạng con người. Do đó, để người dân có kiến thức về an toàn thực phẩm, công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng trong việc nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về bảo đảm an toàn thực phẩm.
Công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng
Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng thông tin, từ đầu năm 2024 đến nay, thị xã đã tập trung tuyên truyền các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; làm rõ vai trò, trách nhiệm của người quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành; tuyên truyền phòng ngừa ngộ độc, các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm. Cùng với đó, thị xã tập trung tuyên truyền nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về an toàn thực phẩm trong dịp cao điểm về an toàn thực phẩm, như: Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, lễ hội xuân..; làm rõ vai trò, trách nhiệm của UBND các cấp, người quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành.
Đồng thời, thị xã Sơn Tây tập trung tuyên truyền bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, phòng ngừa ngộ độc rượu, các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm. Phòng Y tế tổ chức 3 hội nghị tập huấn các quy định của pháp luật và kiến thức bảo đảm an toàn thực phẩm cho 310 người quản lý và các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm tại 3 xã, phường (Phú Thịnh, Sơn Đông, Cổ Đông); phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân tổ chức hai hội nghị tập huấn cho hội viên với 180 người tham dự...
Còn Trưởng phòng Y tế huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Trung cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, huyện thực hiện truyền thông, tuyên truyền về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm qua nhiều hình thức với nội dung phong phú, tập trung vào chủ đề: “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”; tổ chức và phối hợp tổ chức 78 hội nghị với 2.085 lượt người tham dự; nói chuyện chuyên đề 80 buổi, 50.757 lượt người tham dự.
Cùng với đó, huyện tổ chức tập huấn 10 lớp, với 670 lượt người là thành viên Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm huyện, xã, thị trấn, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; cán bộ, giáo viên, cô nuôi, học sinh tại các trường học trên địa bàn huyện tham gia. Huyện cũng đã biên tập và cung cấp 259 bài tuyên truyền với 2.275 lượt phát thanh trên hệ thống đài phát thanh huyện và đài truyền thanh các xã, thị trấn; treo 57 băng rôn, khẩu hiệu, phát 1.925 tờ rơi, tuyên truyền về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trên địa bàn huyện Thanh Trì triển khai công tác vận động, phát động các phong trào bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường gắn với cuộc vận động xây dựng làng, xã văn hóa tại địa phương cho các hội viên.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) tiếp tục phối hợp với các cơ quan, địa phương đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về an toàn thực phẩm; phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành liên quan thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống; giám sát chặt chẽ nguồn thực phẩm lưu thông trên thị trường. Đồng thời, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tăng cường các hoạt động phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, giám sát mối nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm; nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm ở các địa phương…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.