Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) cần bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật, trong đó có các nội dung liên quan đến Luật Thủ đô.
Chiều 14-11, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 39, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Giữ quy định chuyển thẩm quyền quyết định đầu tư công
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, nhóm chính sách đẩy mạnh phân cấp, phân quyền được nhiều đại biểu quan tâm, tham gia ý kiến thảo luận tại tổ, hội trường ở kỳ họp thứ tám.
Đối với quy định nâng quy mô dự án quan trọng quốc gia, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc việc điều chỉnh tăng quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia lên 30.000 tỷ đồng, đề nghị điều chỉnh tăng 2 lần nhằm tương đồng với các nhóm dự án A, B, C.
Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc nâng quy mô vốn đầu tư công đối với dự án quan trọng quốc gia lên 30.000 tỷ đồng (gấp 3 lần) nhằm phân cấp mạnh mẽ hơn trong quản lý đầu tư công, bảo đảm tính ổn định trong thực hiện Luật. Đối với các dự án A, B, C, thống nhất với phương án Chính phủ trình và đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đã đồng thuận.
Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận định, việc phân cấp cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý là thay đổi lớn từ thẩm quyền của HĐND các cấp sang UBND các cấp.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, việc thay đổi về thẩm quyền đã được cân nhắc kỹ. Thực tế, việc giao cho UBND quyết định chủ trương đầu tư dự án đã được quy định tại Luật Đầu tư công năm 2019. Theo báo cáo của Chính phủ, trong giai đoạn 2021-2025, có 43 HĐND cấp tỉnh đã phân cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, C cho UBND cùng cấp.
Về bản chất, quy định này chỉ thay đổi về cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án từ HĐND cho UBND các cấp. Các nội dung về việc phê duyệt đầu tư và tổ chức thực hiện dự án vẫn giữ nguyên so với quy định hiện hành. Theo đó, Chủ tịch UBND các cấp vẫn quyết định đầu tư dự án và UBND các cấp vẫn là cơ quan chủ quản, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện dự án; HDNĐ các cấp thực hiện giám sát quy trình tổ chức triển khai thực hiện. Do đó, về mặt năng lực tổ chức thực hiện dự án thì vẫn do các cơ quan này bảo đảm như hiện tại.
Để bảo đảm tính chặt chẽ, dự thảo Luật đã quy định điều kiện ràng buộc đối với việc quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công. Theo đó, một dự án nếu muốn được quyết định chủ trương thì phải bảo đảm phù hợp với các quy hoạch liên quan, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bảo đảm nguồn vốn và khả năng cân đối vốn được cấp có thẩm quyền thông báo (đối với vốn ngân sách địa phương do HĐND các cấp), mà các nội dung này đều do HĐND là cơ quan quyết định.
“Từ những lý do trên, cùng với tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, Ủy ban Tài chính - Ngân sách báo cáo Quốc hội cho phép quy định phân cấp cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý”, ông Lê Quang Mạnh nói.
Đồng bộ quy định thẩm quyền đầu tư công với Luật Thủ đô
Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Luật Thủ đô vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ bảy quy định: HĐND thành phố quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công. Tuy nhiên, tại quy định của dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) lại giao thẩm quyền này cho UBND các cấp.
“Nếu thực hiện theo Luật Đầu tư công (sửa đổi) thì quy định này sẽ vượt lên so với Luật Thủ đô”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị tiếp tục rà soát Luật Đầu tư công (sửa đổi) với Luật Thủ đô.
“Trong Luật Thủ đô quy định: “Trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định khác với quy định của Luật Thủ đô về cùng một vấn đề mà cần áp dụng thì phải quy định cụ thể ngay về việc áp dụng pháp luật trong luật, nghị quyết đó”. Phải chỉ rõ áp dụng Luật Thủ đô hay áp dụng Luật Đầu tư công(?)”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị đề xuất cụ thể nội dung sửa đổi, bãi bỏ trong Luật Thủ đô để quy định ngay trong Luật Đầu tư công (sửa đổi) theo đúng tinh thần quy định của Luật Thủ đô để bảo đảm ưu đãi về đặc thù đối với Thủ đô được duy trì tốt hơn so với pháp luật chung.
Cho rằng Luật Đầu tư công (sửa đổi) quy định những vấn đề về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án có tính phân cấp, phân quyền vượt trội hơn so với quy định trong Luật Thủ đô, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, “quy định cho tỉnh, thành thông thoáng nhưng Thủ đô lại chặt chẽ”. Luật Thủ đô sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2025, đồng chí Trần Thanh Mẫn cho rằng nếu không đồng bộ ngay các quy định của hai Luật thì dù chưa thực hiện, Luật Thủ đô đã có nguy cơ phải sửa đổi.
Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đề nghị các cơ quan liên quan rà soát, quy định cụ thể về việc áp dụng pháp luật ngay trong Luật Đầu tư công (sửa đổi) đối với những vấn đề khác với quy định của Luật Thủ đô.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với các nội dung giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý cần rà soát bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật, trong đó có các nội dung liên quan đến Luật Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.