Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, sáng 13-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, với sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.713.548 tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD).
Dự thảo luận tại tổ Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Bùi Thị Minh Hoài; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn.
Triển khai dự án với thời gian nhanh nhất, tiết kiệm nhất
Thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam.
Trong đó, theo đại biểu cần tập trung triển khai hiệu quả từng phân đoạn, trước mắt là từ ga đầu mối Ngọc Hồi của Hà Nội và tại thành phố Hồ Chí Minh, sau đó mới tính đến phương án kết nối các ga. Đồng thời, dự án cần chú trọng việc chuyển giao công nghệ khi triển khai để chủ động trong vận hành sau này.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, chủ trương đầu tư dự án này rất cần thiết, là nguyện vọng của đại đa số người dân. Hệ thống đường sắt tốc độ cao sẽ đáp ứng nhu cầu giao thương với các nước trong khu vực, trong đó có nền kinh tế lớn Trung Quốc.
Tuy nhiên, khi nghiên cứu tài liệu, đại biểu Nguyễn Anh Trí vẫn còn một số băn khoăn khi triển khai dự án liên quan đến lưu lượng dùng, thời gian vận chuyển hàng hóa nông sản, thủy sản trong bao lâu để bảo đảm chất lượng. Đồng thời, việc đặt vị trí các nhà ga ở đâu cho hợp lý. Đặc biệt, sau khi dự án đi vào hoạt động, việc vận hành sao cho hiệu quả, bởi kinh phí vận hành dự kiến đang ở mức rất cao.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, nếu được Quốc hội thông qua chủ trương thì dự án khởi công vào năm 2027 và khánh thành vào năm 2035. “Kinh nghiệm cho thấy, nếu càng nhanh lợi ích từ máy móc thiết bị hiệu quả hơn. Cùng với đó, chúng ta có đủ nguồn lực về con người, phương tiện kỹ thuật, kinh phí để có thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án hơn, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và phát triển kinh tế - xã hội”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.
Thống nhất sự cần thiết đầu tư Dự án, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn Hà Nội) cho biết, tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541km và dự án đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố. Trong dự thảo dự án nêu quá chi tiết về các điểm đầu điểm cuối, số dân phải tái định cư… Tuy nhiên, các số liệu này đều nêu “khoảng”, nên khi triển khai thực hiện sẽ thay đổi nhiều và phải báo cáo Quốc hội điều chỉnh.
Theo đại biểu, những nội dung trong dự án còn phải qua 2 nhiệm kỳ của Đại hội Đảng nên còn nhiều thay đổi phải điều chỉnh. Vì thế, chủ trương đầu tư dự án không nên quá chi tiết về mặt kỹ thuật.
“Với tầm mức quan trọng của dự án này, tôi cũng nhất trí với ý kiến của các đại biểu là cần triển khai dự án với thời gian nhanh nhất, hiệu quả và chi phí tiết kiệm nhất cho đất nước”, đại biểu Nguyễn Phương Thủy bày tỏ.
Dự án phải được phát triển theo tuyến lưỡng dụng
Nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, việc triển khai đường sắt tốc độ cao cả nước sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả nước, chứ không tập trung vào địa phương nào. Đặc biệt là thúc đẩy phát triển logistic hàng hóa Bắc - Nam, không còn những điểm nghẽn vì giao thông như hiện nay. “Việc phát triển đường sắt để kết nối với tuyến đường sắt Bắc Á để vận chuyển hàng hóa, xuất khẩu quốc tế là rất cần thiết”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo chủ trương dự án thì chỉ vận chuyển hành khách, hàng hóa chỉ vận chuyển khi cần thiết. Vì thế, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, dự án phải được phát triển theo tuyến lưỡng dụng, tức là cả vận tải hành khách và hàng hóa để bảo đảm hiệu quả. Đồng thời, cần chú trọng đến việc chuyển giao công nghệ nhằm bảo đảm thời gian khánh thành như dự kiến.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn Hà Nội) bày tỏ sự nhất trí việc phát triển đường sắt tốc độ cao để cân bằng và thêm phương thức vận tải hành khách, chứ không mang tính cạnh tranh với các loại phương tiện khác. Theo đại biểu, đây là dự án quy mô lớn mang tính biểu tượng quốc gia, động lực phát triển của đất nước, vì thế nếu triển khai tốt sẽ tác động tích cực và ngược lại nếu xảy ra sự cố đáng tiếc.
Làm rõ thêm các nội dung liên quan đến tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; xây dựng 23 ga khách, 5 ga hàng…, đại biểu Nguyễn Phi Thường cho biết, đây là dự án kết nối Bắc - Nam và hành lang kinh tế Đông Tây. Trong đó, đường sắt tốc độ cao chủ yếu sử dụng để vận tải hành khách.
Về thời gian xây dựng dự án, đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng, việc lựa chọn đề xuất cơ bản hoàn thành 1.545km trong vòng 10 năm (từ 2025-2035) là mốc tiến độ đặt ra khá cao và cũng là mong muốn chung. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi cần có cơ chế, chính sách để đẩy nhanh tiến độ.
Quan tâm đến hướng tuyến của dự án, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) đồng tình với hướng tuyến điểm đầu xuất phát từ Hà Nội và điểm cuối là thành phố Thủ Đức của thành phố Hồ Chí Minh. Theo báo cáo thẩm tra cũng như tờ trình với quan điểm nghiên cứu và lựa chọn tuyến là “ngắn nhất có thể” và đáp ứng 5 nguyên tắc.
Tuy nhiên, theo bản vẽ tổng mặt bằng tuyến thì đoạn từ ga Phủ Lý đến Ninh Bình có nhiều điểm cong, tạo cho tuyến dài ra. Như vậy, chưa phù hợp với quan điểm nghiên cứu về lựa chọn tuyến là ngắn nhất có thể. “Để phù hợp với quan điểm tuyến là ngắn nhất có thể, tôi đề xuất đoạn tuyến từ ga Phủ Lý đến Ninh Bình nên chạy song song với đường bộ cao tốc”, đại biểu kiến nghị.
Về tiêu chuẩn kỹ thuật, đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng, trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi nêu áp dụng khung tiêu chuẩn của châu Âu. Tuy nhiên, châu Âu chưa có tuyến đường sắt tốc độ cao nào có vận tốc lên tới 350 km/h. Vì thế, việc áp dụng khung tiêu chuẩn châu Âu là không phù hợp. “Tại sao không áp dụng khung tiêu chuẩn theo Trung Quốc vì nước này mới có tuyến đường sắt tốc độ cao với vận tốc thiết kế 350 km/h”, đại biểu nêu quan điểm.
Sáng cùng ngày, các đại biểu thảo luận ở tổ về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội và dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.