Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hai sự kiện, một vấn đề

Dục Tú| 05/05/2011 06:51

(HNM) - Sau những lời ra tiếng vào về sự

1. Sau những lời ra tiếng vào về sự "ế ẩm" của hệ thống điện thoại thẻ công cộng (cardphone, hay còn gọi là điện thoại cột), đã có thông tin về việc thu hồi một số ca bin cung cấp dịch vụ điện thoại loại này. Thu hồi những máy hỏng hóc để sửa chữa thì không nói làm gì, đáng lưu ý là sự xuất hiện quan điểm không chính thức của người trong ngành, cho rằng không nên đầu tư thêm cho hệ thống. Không đầu tư, có phải là bỏ?

Cardphone được nhiều người chọn dùng cách đây khoảng chục năm, đặc biệt là khách nước ngoài. Sự tính toán của nhà quản lý vào lúc đó hẳn phải mang màu sắc lạc quan, bởi hệ thống ca bin điện thoại thẻ sau đó đã phát triển nhanh chóng, đặc biệt là tại các đô thị lớn. Vào thời điểm cực thịnh, người ta tính ra mạng lưới điện thoại cột trên toàn quốc có khoảng 15.000 ca bin, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mỗi nơi có hàng ngàn chiếc. Số lượng ấy cộng với chi phí cho hạ tầng, hệ thống nhân viên phục vụ, sản xuất các loại thẻ có mệnh giá khác nhau, hẳn phải là một khoản đầu tư không nhỏ.

Bây giờ, điện thoại cột đang trong cảnh "bỏ thì thương, vương thì tội". Người ta lý giải cái sự "ế ẩm" là do điện thoại di động phát triển mạnh mẽ, cước phí ngày càng giảm, trở thành sự lựa chọn số một của người tiêu dùng chứ ít viện dẫn lý do từ sự xuống cấp của hệ thống cardphone, sự bất tiện về mặt sử dụng do quản lý kém. Có bao nhiêu ca bin điện thoại bị chiếm dụng? Bao nhiêu cột mất tín hiệu? Bao nhiêu ống nghe bị hỏng? Có bao nhiêu khách hàng bỏ ý định sử dụng cardphone vì việc mua card ngày càng bất tiện?

2. Chẳng biết có sự trùng hợp hay không nhưng vào lúc vấn đề điện thoại cột "được lên báo", gợi liên tưởng về "phút cáo chung" thì truyền thông đưa tin về việc tạm dừng sản xuất tiền xu. Cái sự dừng không phải là không có lý, bởi vài năm nay, tiền xu không còn nằm trong "danh mục sử dụng" của người tiêu dùng. Cái sự "ế ẩm" của tiền xu cũng có lý do, là "nặng túi", "đến bà hàng rau cũng ngại nhận"… nhưng có lẽ ba lý do cơ bản là "sự giác ngộ" của người tiêu dùng, lạm phát và tính ứng dụng của tiền xu không cao. Ta không có máy bán hàng tự động, điện thoại công cộng không tương thích với tiền xu.

3. Sản xuất tiền xu và lắp đặt hệ thống cardphone tốn không ít tiền, giờ mà không phát huy được giá trị sử dụng thì chắc chắn là lãng phí. Lãng phí bởi nhìn ra thế giới, thấy khối nước vẫn sử dụng hai thứ này. Người ta bỏ tiền xu vào máy điện thoại công cộng, máy bán hàng tự động ngon ơ. Mà ở nhiều nước ấy, có phải dân còn nghèo, không mua nổi điện thoại di động đâu? Ở ta giá mà có thể bỏ đồng xu mệnh giá 2.000 đồng vào "cột", thực hiện được cuộc gọi ngắn sẽ tốt hơn chăng? Giá mà có cách bỏ được 4-5 đồng xu vào máy bán hàng tự động, chẳng nhẽ không có được hộp nước giải khát?...

Điện thoại cột, tiền xu ra đời, có công dụng nhất định trong khoảng thời gian nhất định, rồi cùng "ế ẩm". Từ hai sự kiện ấy cho thấy một vấn đề, ấy là tầm nhìn và sự đồng bộ. Nếu nhìn xa, dự báo tốt về xu hướng tiêu dùng và sự trượt giá có thể xảy ra, người ta có thể tính toán phương án phát triển và giải pháp kỹ thuật phù hợp chứ không có chuyện xu biết phận xu, điện thoại cột biết phận cột, không thể hỗ trợ nhau.

Từ chuyện tiền xu và "cột" lại nghĩ đến bao điều khác, những thứ liên quan đến nhau mà mỗi đằng một kiểu, chẳng thể "lắp lẫn". Tính liên ngành, khoa học và tầm nhìn xa, phải chăng ngày càng cần thiết đối với sự phát triển là vì thế? Phải chăng ở các nước tiên tiến, người ta phát triển được là vì đã tính đến chuyện "lắp lẫn" giữa nhiều lĩnh vực, thậm chí giữa nhiều quốc gia. Như modul tàu vũ trụ của Nga và Mỹ có thể lắp ráp với nhau được. Rõ ràng cái tư duy nhìn xa trông rộng, tầm nhìn chiến lược tổng thể chẳng phải điều gì xa xôi khó nắm bắt. Bao giờ ta mới tiệm cận được trình độ thế giới?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hai sự kiện, một vấn đề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.