Tại kỳ họp thứ 10 (cuối tháng 6 vừa qua) HĐND thành phố đã thông qua phương án điều chỉnh địa giới hành chính với việc thành lập 2 quận mới và giao cho UBND hoàn thành thủ tục, trình Chính phủ trong tháng 7 này. Sau khi có quyết định của Chính phủ, thành phố tiếp tục chuẩn bị các công việc để ra mắt hai quận mới vào tháng 10 ( nếu triển khai kịp) hoặc ra mắt quận Long Biên trước (vào tháng 10) và quận Vạn Xuân vào tháng 12 năm nay.

Thành phố Hà Nội hiện có 7 quận, 5 huyện, 228 đơn vị hành chính cơ sở gồm: 118 xã, 102 phường và 8 thị trấn với diện tích 927,39 km2 (nội thành 82,87 km2; ngoại thành 844,52 km2 và số dân 2789 nghìn người (nội thành 1.494 nghìn người; ngoại thành 1295 nghìn người).
Với việc điều chỉnh địa giới hành chính: thành lập quận Tây Hồ năm 1996 và các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy năm 1997, quy mô các đơn vị hành chính được điều chỉnh hợp lý hơn. Quận Ba Đình từ hơn 20 vạn dân xuống còn 18 vạn dân. Quận Đống Đa từ 36 vạn dân xuống còn 27 vạn dân . Huyện Từ Liêm từ 28 vạn dân xuống còn 16 vạn dân.
Hiện nay, thành phố vẫn còn những đơn vị hành chính có quy mô lớn: huyện Gia Lâm 35 vạn dân, quận Hai Bà Trưng gần 37 vạn dân, phường Cống Vị (quận Ba Đình ) trên 4 vạn dân; thị trấn Gia Lâm (huyện Gia Lâm) hơn 3,5 vạn dân; phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) hơn 3,5 vạn dân… Các đơn vị trên đều có ý kiến đề nghị thành phố điều chỉnh địa giới hành chính phù hợp, giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc, khó khăn.
Sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, thành phố đã lập, công bố đồ án quy hoạch chi tiết cho 12 quận, huyện để có căn cứ phát triển đô thị. Nhiều dự án đầu tư khu đô thị mới, khu công nghiệp đã được triển khai ở phía Bắc cầu Chương Dương thuộc huyện Gia Lâm và khu vực các xã của huyện Thanh Trì, giáp quận Hai Bà Trưng. Trong 5 năm tới ở những khu vực này việc phát triển đô thị theo quy hoạch đang tiếp tục được triển khai. Khu vực của huyện Gia Lâm có 16 dự án (khoảng 1700 ha) đang chuẩn bị đầu tư, trong đó có 9 khu đô thị mới. Khu vực Thanh Trì có 25 dự án ( khoảng 900 ha), trong đó có 7 khu đô thị mới.
Việc triển khai các dự án đầu tư ở những khu vực này đang đặt ra yêu cầu cần thành lập quận mới với bộ máy tổ chức, chức năng, nhiệm vụ chính là quản lý xây dựng- đô thị theo quy hoạch. Việc nghiên cứu điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập quận mới ở khu vực phía Bắc cầu Chương Dương, khu vực Đuôi Cá giáp ranh giữ quận Hai Bà Trưng và huyện Thanh Trì được tiến hành từ nhiều năm nay. Ngày 3-5-2003, UBND thành phố đã làm việc với Bộ Nội vụ về chủ trương và phương án điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập 2 quận mới và chia tách một số phường của thành phố Hà Nội. Bộ Nội vụ nhất trí và ủng hộ chủ trương, phương án điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập 2 quận mới và đề nghị thành phố sớm chỉ đạo, hoàn chỉnh các thủ tục để báo cáo Chính phủ ra quyết định điều chỉnh địa giới hành chính thành lập quận mới trong quý III năm 2003, hoặc có thể triển khai thành lập quận Long Biên trước. Hai quận mới phải ra mắt vào quý IV năm 2003 để kịp thời phục vụ công tác bầu cử HĐNĐ các cấp (dự kiến vào tháng 4-5 năm 2004).
UBND thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện, phường, xã, thị trấn liên quan nghiên cứu, kiến nghị với thành phố về phương án điều chỉnh, chia tách địa giới hành chính quận, phường sao cho hợp lý, đạt hiệu quả cao nhất và lấy ý kiến HĐNĐ các cấp có liên quan; chỉ đạo Sở Văn hoá- Thông tin nghiên cứu đặt tên cho các quận mới phù hợp địa danh lịch sử và theo quy định của Nhà nước. Phương án điều chỉnh phải trên cơ sở quy hoạch thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Quy mô đơn vị hành chính thành lập mới phải phù hợp với yêu cầu trước mắt và lâu dài; phù hợp với phương thức quản lý và trình độ cán bộ của bộ máy cấp chính quyền. Phương châm tiến hành là thận trọng, từng bước vững chắc. Khu vực nào cần thiết, cấp bách hơn thì làm trước, khu vực nào chưa cấp bách thì làm sau, nhưng phải phù hợp với quy hoạch tổng thể chung và có tính ổn định tương đối lâu dài. Việc điều chỉnh phải tôn trọng lịch sử,tập quán của nhân dân, ổn định dân cư, phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Khi điều chỉnh phải cố gắng điều chỉnh nguyên đơn vị hành chính xã, hoặc nguyên thôn, hoặc có thể nguyên dự án, công trình đã được bàn giao trong quy hoạch đô thị, liền kề với quận mới.
Phương án cụ thể về điều chỉnh địa giới hành chính huyện Gia Lâm để thành lập quận mới (tạm gọi là quận Long Biên ) là: Cắt chuyển 10 xã và 3 thị trấn của huyện Gia Lâm để thành lập quận mới gồm: xã Thượng Thanh, thị trấn Đức Giang, xã Giang Biên, xã Ngọc Thuỵ, xã Việt Hưng, thị trấn Gia Lâm, xã Hội Xá, xã Gia Thuỵ, xã Bồ Đề, thị trấn Sài Đống, xã Long Biên, xã Thạch Bàn và xã Cự Khối. Quận có diện tích 6.038,24 ha; dân số gần 170.706 người, gồm 14 phường; tỷ lệ dân phi nông nghiệp 81,63%; mật độ dân số bình quân 2,83 nghìn người/km2. Huyện Gia Lâm còn lại diện tích 10.844,66 ha; dân số 190.194 người,gồm 22 xã, thị trấn. Dự kiến trụ sở cơ quan quận mới đặt tại xã Gia Thuỵ (gần khu vực sân bay).
Địa giới hành chính huyện Thanh Trì và quận Hai Bà Trưng được điều chỉnh để thành lập quận mới (tạm gọi tên là quận Vạn Xuân ) như sau: Cắt chuyển 5 phường của quận Hai Bà Trưng: Mai Động, Tương Mai, Giáp Bát, Hoàng Văn Thụ, Tân Mai và cắt chuyển 9 xã của huyện Thanh Trì: Định Công, Đại Kim, Hoàng Liệt, Thịnh Liệt, Thanh Trì, Vĩnh Tuy,Lĩnh Nam, Trần Phú,Yên Sở và khu đô thị Pháp Vân- Tứ Hiệp 50 ha (Tứ Hiệp 20 ha, Hoàng Liệt 30 ha nhập vào xã Hoàng Liệt); công viên Yên Sở 150 ha (Tứ Hiệp 35 ha, Yên Sở 115 ha nhập vào xã Yên Sở) để thành lập quận mới. Quận mới có diện tích 4.104,1 ha; dân số 187.332 người,gồm 14 phường; tỷ lệ dân phi nông nghiệp 77,75%, mật độ dân số bình quân 4,79 nghìn người/km2.
Quận Hai Bà Trưng còn lại diện tích 961,67 ha; dân số 284.615 người gồm 20 phường. Địa điểm trụ sở cơ quan quận mới dự kiến đặt tại xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì.
Việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập 2 quận mới theo các phương án trên, UBND thành phố đã nhiều lần hội thảo, xin ý kiến của các ngành thành phố; các quận, xã, phường, thị trấn có liên quan, của Bộ Nội vụ, của Thường vụ Thành uỷ và đã được UBND các xã, phường thị trấn có liên quan, HĐND huyện Gia Lâm. HĐND huyện Thanh Trì, HĐND quận Hai Bà Trưng Nghị quyết nhất trí thông qua.
Các điều kiện chuẩn bị cho việc thành lập quận mới, phường mới:địa điểm xây dựng trụ sở lâu dài của các cơ quan, trụ sở làm việc tạm đã được khảo sát và bố trí, cán bộ, biên chế, tiền lương, kinh phí… UBND thành phố đã có kế hoạch chuẩn bị để sau khi có quyết định của Chính phủ thành lập các quận mới, phường mới sẽ triển khai hoạt động được ngay.
Về tên gọi của 2 quận mới thành phố đề nghị: Đặt tên quận Long Biên cho quận mới thành lập trên điạ bàn huyện Gia Lâm vì ở đây có cây cầu Long Biên nổi tiếng bắc qua sông Hồng. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, cầu Long Biên đã cùng quân, dân Thủ đô và cả nước anh dũng bảo vệ Hà Nội- trái tim của cả nước, góp phần làm nên những chiến công hiển hách của dân tộc Việt Nam. Địa danh Long Biên có truyền thống, lịch sử văn hoá lâu đời. Long Biên còn là tên một xã của huyện Gia Lâm. Trước năm 1961, Long Biên là một xã thuộc quận VIII Hà Nội. Vì vậy đặt tên Long Biên cho quận mới kể trên nhằm lưu lại những kỷ niệm, dấu ấn quen thuộc đối với người dân Thủ đô và thuận tiện trong giao dịch. Còn quận mới thành lập trên địa bàn quận Hai Bà Trưng và huyện Thanh Trì được đề nghị lấy tên là quận Vạn Xuân vì xã Vạn Xuân thuộc huyện Thanh Trì được lập từ năm 1949 gồm 3 xã cũ Nam Dư Thượng, Thanh Trì và Vĩnh Tuy của tổng Thanh Trì. Nơi đây có đê Vạn Xuân còn gọi là đê Cơ Xá do Lý Thái Tổ cho đắp vào thế kỷ thứ XI là con đê lớn nhất thời đó. Năm 1426, nghĩa quân Lê Lợi đã đóng quân để vây thành Đông Quan do quân Minh chiếm, sau đó tiến vào giải phóng thành. Đê Vạn Xuân là một chiến luỹ quan trọng tron chiến dịch giải phóng thành. Mảnh đất này đã 2 lần chứng kiến Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc Hà: năm 1786 diệt nhà Trịnh phù vua Lê và năm 1789 diệt Mãn Thanh giải phóng Đông Quan. Đầm Vạn Xuân còn gọi là đầm Vạn Xoan, là tên một đầm nước rộng thuộc xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì. Tương truyền Nhà nước Vạn Xuân của nhà Lý đã từng dựng dinh thự ở đây. Trong lịch sử, khi Lý Nam Đế lên ngôi, cũng đã đặt quốc hiệu là Vạn Xuân với ý nghĩa trường tồn, bất tử. Việc đặt tên quận mới được hình thành trên địa bàn huyện Thanh Trì và quận Hai Bà Trưng, để ghi nhớ một quốc hiệu nước Việt xưa, lưu lại một địa danh cổ có liên quan đến những cuộc đấu tranh chống phong kiến xâm lược của dân tộc ta và càng có ý nghĩa đối với một đơn vị hành chính mới của Thủ đô.
Tại kỳ họp thứ 10 (cuối tháng 6 vừa qua) HĐND thành phố đã thông qua phương án điều chỉnh địa giới hành chính với việc thành lập 2 quận mới và giao cho UBND hoàn thành thủ tục, trình Chính phủ trong tháng 7 này. Sau khi có quyết định của Chính phủ, thành phố tiếp tục chuẩn bị các công việc để ra mắt hai quận mới vào tháng 10 ( nếu triển khai kịp) hoặc ra mắt quận Long Biên trước (vào tháng 10) và quận Vạn Xuân vào tháng 12 năm nay.
N.Đ.T