Không chỉ bức xúc khi hạ tầng nhiều dự án khu đô thị, khu nhà ở xây dựng dở dang, cư dân các khu đô thị mới trên địa bàn thành phố Hà Nội còn khốn khổ khi bỏ hàng tỷ đồng để mua nhà chung cư, biệt thự, liền kề… để rồi “rước bực” vào thân.
Nhiều người mua đất cả chục năm vẫn chưa được xây dựng nhà do chủ đầu tư mắc sai phạm trong quản lý trật tự xây dựng, chưa hoàn thiện thủ tục đất đai…
Hàng loạt hạng mục dở dang
Trong số các công trình hạ tầng dở dang trong khu đô thị mới ảnh hưởng đến việc đi lại, cuộc sống của người dân phải kể đến đoạn đường từ phố Hạ Yên Quyết nối đến ngõ 251 phố Nguyễn Khang (phường Yên Hòa) thuộc Khu đô thị mới Yên Hòa (quận Cầu Giấy).
Theo quan sát của phóng viên Báo Hànộimới, đoạn đường này có thể xảy ra ùn tắc vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, có lúc tê liệt do ngõ quá nhỏ, trong khi lượng người dân trong và ngoài khu đô thị qua lại nhiều. Theo tìm hiểu, tình trạng ùn tắc kể trên diễn ra suốt hơn 10 năm qua. Nếu hằng ngày lực lượng chức năng không phân luồng thì tình trạng tắc nghẽn sẽ còn tệ hơn. Về vấn đề này, đại diện UBND quận Cầu Giấy lý giải, dự án này nằm trong Khu đô thị mới Yên Hòa, dù triển khai đã nhiều năm nhưng do vướng công tác giải phóng mặt bằng nên đến nay vẫn "giậm chân tại chỗ".
Cũng tại quận Cầu Giấy, Dự án cải tạo, mở rộng ngõ 381 phố Nguyễn Khang, phường Yên Hòa được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt từ năm 2015 (thuộc Dự án Khu đô thị mới Dịch Vọng) đến nay cũng chưa hoàn thành do chưa thống nhất được đơn giá đền bù đất, khiến hơn 10 hộ gia đình chưa đồng thuận. Công tác giải phóng mặt bằng gặp vướng mắc đồng nghĩa với việc dự án đình trệ nhiều năm, người dân đi lại gặp nhiều khó khăn bởi tuyến ngõ này thường xuyên xảy ra ùn tắc.
Hay tại Khu đô thị mới Kim Văn - Kim Lũ (quận Hoàng Mai), dù dự án đã xây dựng, đưa vào sử dụng một phần từ năm 2014 nhưng đến nay chưa hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Cụ thể, việc khớp nối hạ tầng theo quy hoạch được phê duyệt giữa Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ với các tuyến ngõ 282, 292, 420 đường Kim Giang chưa được thực hiện. Mặc dù chính quyền sở tại đã gửi nhiều văn bản đề nghị chủ đầu tư khắc phục và giải quyết những bất cập liên quan, nhưng đến nay chưa có kết quả.
Theo quan sát tại ngõ 282 đường Kim Giang - con đường huyết mạch nối giữa Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ và Khu đô thị Đại Kim, đây là lối đi người dân hay sử dụng nhất để đi ra ngõ 282 đường Kim Giang. Do chưa được kết nối hạ tầng nên tình trạng ùn tắc giao thông ở khu vực này diễn ra hằng ngày.
Một trong những dự án dở dang nhiều năm phải kể đến Dự án Khu nhà ở sinh thái Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) do Công ty cổ phần Tasco làm chủ đầu tư. Dù giải phóng mặt bằng từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn còn 2 đoạn đường với tổng chiều dài khoảng 200m chưa kết nối với đường Xuân Phương (đường 70 cũ) và đường Trịnh Văn Bô. Nguyên nhân chính là chưa giải phóng xong mặt bằng...
Được biết, chủ đầu tư dự án này tích cực phối hợp với chính quyền địa phương để giải quyết những tồn tại, nhưng đến nay công tác giải phóng vẫn chưa hoàn thành nên chưa thể triển khai nốt 2 đoạn đường còn lại để bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý, vận hành.
Ở quận Long Biên, do nhiều khu đô thị mới như: Sài Đồng, Việt Hưng... chưa hoàn thành một số tuyến đường trong khu đô thị nên chưa thể đấu nối với hạ tầng giao thông khu vực đã khiến việc đi lại của cư dân ngay trong khu đô thị gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng kỳ vọng của cư dân về một khu đô thị văn minh, hiện đại.
Tương tự, Khu đô thị mới Phú Lương (quận Hà Đông) triển khai từ năm 2015 nhưng đến nay một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội vẫn “án binh bất động”. Cụ thể, tuyến đường ND1 tiếp giáp Dự án khu giáo dục Nguyễn Trãi dài khoảng 300m vướng 3.025m2 chưa giải phóng mặt bằng; hai đoạn tuyến N11 và N1 dài khoảng 1km cũng chưa thể thi công do tuyến mương dự kiến làm ngầm nằm dưới tuyến đường chưa được thành phố triển khai nên chủ đầu tư đang phải… đợi.
Dự án Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra - Hà Nội) tại quận Tây Hồ được đánh giá là triển khai nhanh, tuy nhiên đến nay chủ đầu tư dự án cũng mới chỉ cơ bản hoàn thành việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở diện tích đã được giải phóng mặt bằng, bao gồm các tuyến đường, cây xanh, hệ thống điện, cấp, thoát nước... Theo báo cáo của Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long, đến nay khu đô thị vẫn còn nhiều hạng mục chưa thể đầu tư do gặp nhiều vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng ở cả 3 giai đoạn của dự án. Các hạng mục chưa hoàn thành đầu tư chủ yếu là công trình cây xanh, đường giao thông, đất xây dựng trường học, chỉ một phần nhỏ là xây dựng nhà ở.
Bỏ tiền mua “bực mình”
Việc nhiều dự án khu đô thị mới xây dựng hạ tầng dang dở, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân, tiến độ xây dựng dự án khu đô thị còn chậm cũng đã và đang khiến không ít gia đình lâm vào cảnh khốn đốn, cá biệt có trường hợp người mua nhà đã qua đời nhưng vẫn chưa nhận được nhà.
Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Văn Khê mở rộng (Usilk City) do Công ty cổ phần Sông Đà - Thăng Long làm chủ đầu tư (quận Hà Đông) là điển hình. Khởi công từ năm 2008, song đến nay, nhiều khối nhà chung cư với thiết kế hàng nghìn căn hộ vẫn dở dang khiến hàng trăm khách hàng đã đóng tiền mua bán căn hộ như “ngồi trên đống lửa”.
Theo tìm hiểu, dự án chia làm 4 cụm công trình với 9 khối nhà chung cư. Chủ đầu tư cam kết, đến quý IV-2013 sẽ đưa các khối nhà vào sử dụng. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 4 tòa nhà hoàn thành, bàn giao cho cư dân về ở; 5 tòa nhà còn lại vẫn dang dở kéo dài. Chị Vũ Thị Thanh (quận Hà Đông) mua 1 căn hộ tại tòa CT1-104 bức xúc: “Gia đình tôi đã nộp gần 100% giá trị hợp đồng từ năm 2020, những tưởng sẽ sớm có nhà ở, nhưng đến nay vẫn phải chờ, dù tòa này đã xây dựng xong phần thô”.
Việc mua bán căn hộ, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong các dự án nhà ở là quan hệ dân sự giữa chủ đầu tư và người dân, nhưng nếu không có giải pháp quản lý tốt thì toàn xã hội sẽ phải gánh chịu mọi hệ quả tiêu cực. Đây là thực tế rất đáng lo ngại hiện nay...
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.