Đến cuối tháng 11-2018, 40 trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đất đai (theo danh mục của Nghị quyết HĐND) đã được UBND thành phố Hải Phòng chỉ đạo các ngành liên quan kiểm tra, đã ra quyết định thu hồi đối với 10 trường hợp có tổng diện tích thu hồi là hơn 194ha.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN) |
10 quyết định thu hồi gồm: Công ty cổ phần giao nhận kho vận ngoại thương Hải Phòng, 13.315m2 (số 4B Trần Phú, quận Ngô Quyền); Công ty cổ phần thương mại Nam Mỹ (Phù Long, huyện Cát Hải); Công ty phát triển nuôi trồng thủy sản Đông Á, 1.500m2 (Ngọc Hải, quận Đồ Sơn); Chi nhánh Kỹ nghệ điện lạnh Hải Phòng, 8.732m2 (Vạn Sơn, quận Đồ Sơn); Công ty Dầu lửa Trung ương (Công ty Xăng dầu khu vực 3), 12.240m2 (Vạn Sơn, quận Đồ Sơn); Công ty trách nhiệm hữu hạn Hiến Thành, 21.138m2 (Quang Trung, huyện An Lão); Công ty cổ phần cơ khí chế tạo Hải Phòng, 6.019m2 (số 150 Tô Hiệu, quận Lê Chân); Công ty cổ phần kinh doanh và chế biến hàng xuất nhập khẩu Đà Nẵng (khu 2), 18.419m2 (Anh Dũng, quận Dương Kinh); Công ty cổ phần nông nghiệp kỹ thuật cao Hải Phòng, 23.863m2 (Anh Dũng, quận Dương Kinh); Công ty cổ phần vật tư bao bì Hà Nội (Công ty cổ phần nhựa Việt Thành), 670m2 (số 7 Trần Phú, quận Ngô Quyền).
Trong 10 địa điểm này, thành phố Hải Phòng đã bàn giao một địa điểm cho địa phương, bảy địa điểm cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng và một địa điểm cho nhà đầu tư khác quản lý, sử dụng. Đối với trường hợp còn lại Công ty trách nhiệm hữu hạn Hiến Thành, thành phố đang chỉ đạo các ngành, huyện An Lão tập trung giải quyết dứt điểm để bàn giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất.
Ngoài 40 địa điểm đã được kiểm tra, thành phố Hải Phòng đang quyết liệt chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, các địa phương liên quan rà soát bổ sung 207 trường hợp có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về đất đai để xử lý theo đúng luật định.
Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, quá trình thực hiện Nghị quyết về thu hồi đất của HĐND thành phố gặp nhiều vướng mắc, khó khăn. Cụ thể, đối tượng thu hồi đất không phối hợp với đoàn kiểm tra trong việc cung cấp hồ sơ, kiểm tra hiện trạng sử dụng đất, không cử đúng thành phần khi tham gia các cuộc kiểm tra, không ký biên bản kiểm tra.
Cùng đó, chủ đầu tư của một số dự án vẫn còn nhu cầu sử dụng đất thực sự, nhưng năng lực thực hiện dự án còn hạn chế, đang kêu gọi sự hợp tác đầu tư từ các doanh nghiệp khác. Nếu bị thu hồi đất sẽ gây khó khăn rất lớn cho nhà đầu tư.
Có nhiều trường hợp chủ sử dụng đất không còn sinh sống, làm việc tại địa phương, doanh nghiệp đã thu hồi tên, giải thể nhưng không báo với cơ quan chức năng để theo dõi, quản lý, dẫn đến tình trạng không liên lạc được với doanh nghiệp.
Theo Chủ tịch Nguyễn Văn Tùng, năm 2019, thành phố yêu cầu các ngành, địa phương tiếp tục kiểm tra, xác định hành vi vi phạm của các tổ chức sử dụng đất, kiên quyết xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm pháp luật đã xử phạt nhưng không khắc phục, tiếp tục vi phạm.
Yêu cầu dừng thực hiện, thu hồi, hủy bỏ giá trị pháp lý đối với các dự án chậm thực hiện thủ tục về đất hoặc chậm tiến độ giải phóng mặt bằng. Đồng thời, đề nghị Cục Thuế thành phố xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính.
Ban chỉ đạo thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai thành phố tiếp tục kiểm tra, rà soát các tổ chức sử dụng đất không hiệu quả gây lãng phí đất đai, vi phạm pháp luật đất đai xử lý theo quy định của pháp luật. Lập hồ sơ thu hồi đất đảm bảo đúng trình tự thủ tục, chặt chẽ về pháp lý tránh tình trạng khiếu kiện phức tạp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.