Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hai mặt của một vấn đề

Dục Tú| 30/09/2018 06:29

(HNM) - Gần đây, khi ngôi đình cổ Lương Xá ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội) bị hạ giải, thay bằng những hạng mục được làm mới, dư luận lại tìm nguyên nhân dẫn đến hành vi sai trái trong quá trình trùng tu di tích. Trong đó, nhiều ý kiến hướng vào trách nhiệm của cơ quan quản lý văn hóa, chính quyền địa phương.


Tuy vậy, khi nhìn lại những trường hợp “xây mới di tích”, tiến hành trùng tu di sản trái với nguyên tắc, quy định đã được đề ra cho phần việc này, có thể nhận ra nguyên nhân dẫn đến những vụ “bức tử” di tích không chỉ liên quan tới trách nhiệm của cơ quan quản lý các cấp. Nhiều vụ việc chỉ ra rằng nhận thức chung của cộng đồng về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản còn hạn chế cũng là nguyên nhân quan trọng, bởi điều đó khiến hành vi xâm hại di tích không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời hoặc người dân sở tại im lặng trước hành vi sai trái.

Đặt trong bối cảnh hiện nay, khi số di tích xuống cấp trầm trọng ngày một nhiều và nguồn kinh phí ngân sách dành cho bảo tồn di sản không đủ để tiến hành trùng tu ngay lập tức, xã hội hóa được coi là một giải pháp quan trọng hàng đầu. Từ đây, đặc biệt là qua những vụ việc “bảo tồn mà không khác gì hủy hoại di sản” - không chỉ xuất hiện ở Hà Nội, có thể thấy nhận thức hạn chế dễ dẫn đến hậu quả khôn lường. Ở “vụ” Lương Xá và một số trường hợp khác, đã có ý kiến đề cập đến khoản tài trợ tiền tỷ của nhà hảo tâm và do nhận thức hạn chế cùng mong muốn tiêu hết số tiền được ủng hộ, người ta đã chuyển từ trùng tu sang phương án... xây mới toàn bộ! Khi tầm nhìn xa về bảo tồn, phát huy giá trị di sản bị che mờ bởi lợi ích trước mắt và hiểu biết hạn hẹp về quy định pháp luật, nguyên tắc bảo tồn, những cố gắng giữ nguyên tắc của các nhà khoa học cũng như cơ quan quản lý văn hóa và chính quyền tỉnh, thành phố, thậm chí là cấp quận, huyện, là không đủ để ngăn chặn sự mất mát, nhất là với những vụ việc đặt cơ quan quản lý trước “sự đã rồi”.

Phân tích những việc đáng tiếc là để tìm ra nguyên nhân, xác định giải pháp bảo vệ di sản được tốt hơn. Trong giai đoạn hiện nay, và chắc chắn là nhiều năm nữa, xã hội hóa công tác tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa vẫn là giải pháp quan trọng. Chỉ có điều, cần xác định rõ “tính hai mặt” của vấn đề để có biện pháp quản lý hiệu quả. Nhất thiết phải tìm ra cách để vừa huy động nguồn kinh phí từ cộng đồng vừa ngăn chặn sự can thiệp thái quá của nhà hảo tâm, ý định “tiêu tiền bằng mọi giá” trong quá trình tu bổ di tích. Bởi không chỉ “trào lưu” cung tiến hiện vật “ngoại lai” vào di tích một thời, chính những vụ xâm hại đình, chùa liên quan đến nguồn vốn xã hội hóa dành cho trùng tu di sản cho thấy tầm quan trọng của việc này.

Giải pháp đó là tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trong nhân dân, tạo sức đề kháng thường trực nhằm loại bỏ tâm lý “xây thật to, tô thật đậm”. Những bài học tích cực về bảo tồn, như Dự án trùng tu đình Chu Quyến (Ba Vì) từng được trao Giải thưởng Lớn về bảo tồn di sản kiến trúc của Hiệp hội Kiến trúc sư quốc tế, cần được nhân rộng, trong đó, kinh nghiệm lớn nhất là huy động sự vào cuộc đồng bộ của cả cơ quan quản lý, nhân dân, nhà khoa học… Bên cạnh đó, do đã tiến hành phân cấp quản lý rõ ràng, cần phải truy cứu trách nhiệm của các bộ phận liên quan đến công tác quản lý di sản khi xảy ra những vụ việc như ở đình Lương Xá, chùa Trăm Gian... Những hình thức xử lý sai phạm nghiêm minh là cơ sở để hạn chế số vụ việc xảy ra theo kiểu “việc đã rồi”, không thể khắc phục hậu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hai mặt của một vấn đề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.