Luận đàm thời sự

Hai mặt của cuộc thí nghiệm

Đại sứ Trần Đức Mậu 02/02/2024 - 08:07

Sau khi được cơ quan có thẩm quyền Mỹ đồng ý, Công ty Neuralink của tỷ phú Elon Musk đã lần đầu tiên cấy chíp điện tử vào não bộ của con người.

Con chíp điện tử này có kích cỡ to như đồng 1 euro, bao gồm 1.024 điện cực.

Mặc dù việc này vốn đã được ông Elon Musk tuyên bố từ cách đây vài năm nhưng cuộc thí nghiệm cấy chíp điện tử vào não bộ của con người vẫn gây chấn động...

Công ty Neuralink được tỷ phú Elon Musk cùng 7 kỹ sư khác thành lập năm 2016 với mục tiêu nghiên cứu và tìm ra cách trao đổi thông tin giữa máy tính và não bộ của con người. Nói một cách cụ thể là tìm cách điều khiển máy tính hay điện thoại thông minh chỉ bằng ý nghĩ của con người chứ không cần phải thông qua thao tác trên bàn phím máy tính hoặc trên điện thoại di động thông minh.

Con chíp của Công ty Neuralink có tên gọi là Brain Computer Interface (BCI). Nó được cài vào não bộ của một người tự nguyện tham gia cuộc thí nghiệm. Nó được trang bị pin ắc quy sạc không dây. Những điện cực của BCI tiếp xúc với các neuron thần kinh trong não và truyền tín hiệu tới máy tính bên ngoài. Máy tính bên ngoài sẽ giải mã những thông tin ấy ra suy nghĩ hay chủ ý hành động của con người.

Mục đích mà Công ty Neuralink theo đuổi với cuộc thí nghiệm độc nhất vô nhị xưa nay là khôi phục chức năng thần kinh điều khiển giúp cho người khiếm thị có thể nhìn thấy ánh sáng trở lại, người bị liệt chân tay có thể cử động trở lại, người bị mất trí nhớ có thể phục hồi trí nhớ, người bị bệnh parkinson có thể dần khỏi bệnh...

Nếu thí nghiệm thành công thì kết quả nghiên cứu của Công ty Neuralink sẽ kích hoạt một cuộc cách mạng thực thụ về khoa học công nghệ và y học. BCI sẽ là một kỳ tích của trí tuệ và sáng tạo của con người.

Chỉ có điều, mặt trái của thành quả kỳ diệu này cũng có thể vô cùng tai hại đối với con người. Sự tồn tại của một hay nhiều chíp điện tử trong bộ não của con người không thể không ảnh hưởng đến bộ não của con người. Không thể loại trừ khả năng những con chíp điện tử này về lâu dài gây tổn hại về vật lý cho bộ não của con người và gây rối loạn chức năng điều khiển toàn bộ hệ thống thần kinh trong cơ thể con người của bộ não, tức là luôn bao hàm nguy cơ không thể loại trừ là giúp chữa lành được bệnh này nhưng lại gây ra bệnh khác cho con người.

Tạo ra được chíp điện tử có thể đọc được suy nghĩ của con người đúng là kỳ tích thật sự. Thế nhưng, một khi đã đọc được suy nghĩ thầm kín nhất và không được thổ lộ ra bên ngoài thì trên lý thuyết cũng còn có thể tác động trực tiếp tới suy nghĩ và suy tính trong bộ não của con người và từ đó có thể thao túng được hành động của con người. Nếu vậy, chuyện này sẽ trở thành vấn đề hết sức phức tạp và nhạy cảm về chính trị và pháp lý, về đạo đức và nhân chủng học.

Chính vì thế, cuộc thí nghiệm của Công ty Neuralink về cấy chíp BCI vào não bộ của con người khiến con người không thể không khâm phục nhưng đồng thời cũng không thể không quan ngại. Giống như đối với trí tuệ nhân tạo trong thế giới hiện đại, việc nghiên cứu sáng tạo và ứng dụng rất đáng được khích lệ nhưng đồng thời cũng cần phải được kiểm soát, quản lý kịp thời và đúng mức để tránh lạm dụng, gây ra những hệ lụy tai hại đối với con người và xã hội.

Ở đâu cũng vậy và ở lĩnh vực nào cũng thế; phát triển, sáng tạo là cần thiết, đáng được khích lệ nhưng phải nhằm mục đích phục vụ con người và xã hội. Quá trình phát triển, sáng tạo phải loại trừ được mọi hệ lụy tai hại đối với con người và xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hai mặt của cuộc thí nghiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.