(HNM) - Sáng 24-3, phiên họp của Hạ viện Thái Lan đã được tiến hành tại trụ sở Quốc hội ở thủ đô Băng Cốc, dù chậm hơn dự kiến, bất chấp việc đảng Puea Thai (Vì nước Thái) đối lập tẩy chay. Thủ tướng Abịxịt Vâygiagiva tham dự phiên họp với tư cách là nghị sỹ đảng Dân chủ.
(HNM) - * Đàm phán giữa Chính phủ và phe "áo đỏ" chưa thể bắt đầu
Sáng 24-3, phiên họp của Hạ viện Thái Lan đã được tiến hành tại trụ sở Quốc hội ở thủ đô Băng Cốc, dù chậm hơn dự kiến, bất chấp việc đảng Puea Thai (Vì nước Thái) đối lập tẩy chay. Thủ tướng Abịxịt Vâygiagiva tham dự phiên họp với tư cách là nghị sỹ đảng Dân chủ.
Tại phiên họp, các đại biểu đã thông qua ba luật, trong đó có luật quy định thành lập một cơ quan quản lý chung về viễn thông, phát thanh và truyền hình trên cơ sở sáp nhập Ủy ban viễn thông quốc gia và Ủy ban phát thanh với truyền hình quốc gia, và thành lập Hội đồng nông dân quốc gia. Chủ tịch Hạ viện Chai Chítchóp đã chỉ trích việc các đại biểu của đảng Puea Thai chặn lối vào tòa nhà Quốc hội một giờ liền trước khi giải tán. Các đại biểu này viện dẫn lý do sự có mặt của cảnh sát và các binh sỹ, cộng với việc dựng lên nhiều hàng rào chắn quanh tòa nhà "đe dọa" quyền thực hiện nhiệm vụ của các nhà làm luật. Tin tức cho hay sau khi kêu gọi dẹp bỏ hàng rào và đưa các lực lượng an ninh ra khỏi khu vực hội họp, một số nghị sỹ của đảng đối lập đã tìm cách hội kiến với Chủ tịch Chai Chítchóp để nhắc lại yêu sách của mình. Dự kiến, hôm nay (25-3) họ sẽ gửi một bản kiến nghị tới Liên hợp quốc, đồng thời sẽ không thừa nhận việc Quốc hội thông qua các luật trong ngày 24-3 và sẽ đề nghị Thượng viện bác bỏ các văn bản luật này.
Trong khi đó, giới quan sát nhận định cánh cửa đàm phán dù vẫn mở, song hiện cả các đại diện của Chính phủ Thái Lan và phe "áo đỏ" đều chưa biết bắt đầu như thế nào, nhất là khi quan điểm vẫn còn cách xa nhau. Một thủ lĩnh của phong trào "áo đỏ", ông Giaran Đitha Apichia cho biết không bên nào muốn khởi động sớm cuộc đàm phán, bởi việc đó sẽ khiến cho những người ủng hộ nghĩ rằng họ thất thế. Ông nhấn mạnh, đàm phán chỉ có thể bắt đầu khi Chính phủ chấm dứt áp dụng Luật An ninh nội địa (ISA) và các phương tiện truyền thông ngừng thông tin tiêu cực về những người "áo đỏ". Cùng ngày, Phòng Thương mại Thái Lan bày tỏ lo ngại cuộc biểu tình trên đường phố nếu kéo dài sẽ gây tác động bất lợi đến ngành du lịch và nền kinh tế quốc gia dù có xảy ra bạo lực hay không. Họ thúc giục Chính phủ giải quyết hòa bình vấn đề trên càng sớm càng tốt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.