(HNM) - Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị 08-CT/TƯ (ngày 21-10-2011) của Ban Bí thư TƯ Đảng (khóa XI) về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới".
Nhận thức việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết, Hà Nội đã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, quán triệt các văn bản chỉ đạo của TƯ, TP đến đội ngũ cán bộ chủ chốt từ TP đến cơ sở, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, với nhiều hình thức phong phú, như tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức; đăng tải thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng; đẩy mạnh các hình thức cổ động, sử dụng panô, áp phích, khẩu hiệu ở các nơi công cộng…
Mô hình cải thiện VSATTP trong hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống đang được triển khai tại tất cả các quận, huyện, thị xã của thành phố. Ảnh: Thu Giang |
Bằng cách làm đó, công tác bảo đảm VSATTP trên địa bàn Hà Nội những năm qua đã có những chuyển biến. Các ban chỉ đạo VSATTP từ TP đến các cơ sở được kiện toàn, đội ngũ cán bộ mạng lưới VSATTP được bồi dưỡng cập nhật kiến thức chuyên môn, nên trong quá trình thực hiện đã chủ động giám sát, xét nghiệm cảnh báo thực phẩm nguy cơ cao, các thực phẩm lưu thông trên thị trường. Hoạt động liên ngành đã có sự phối hợp đồng bộ của các cấp, ngành trong việc quản lý cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) dịch vụ ăn uống, sơ chế nông - lâm - thủy sản trên địa bàn. Mô hình cải thiện VSATTP trong hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống được triển khai tại 100 xã, phường, thị trấn của 29 quận, huyện, thị xã. Công tác quản lý ATTP nông sản, thủy sản, hoạt động giết mổ, vận chuyển, chế biến, buôn bán gia súc, gia cầm đã được cải thiện. Công tác thanh, kiểm tra VSATTP được các cơ quan chức năng tiến hành thường xuyên, qua đó đã ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm về VSATTP. Chỉ riêng trong tháng 11-2012, các cơ quan chức năng đã phát hiện, tiêu hủy hơn 130 tấn gia cầm không rõ nguồn gốc… Dù đã đạt được một số kết quả như đã nêu, song công tác bảo đảm VSATTP trên địa bàn Hà Nội vẫn bộc lộ không ít vấn đề gây bức xúc trong xã hội. Cụ thể là nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý và người SXKD còn hạn chế, dẫn đến vi phạm các quy định về VSATTP; nhiều cơ sở SXKD chạy theo lợi nhuận không tính đến quyền lợi của người tiêu dùng (NTD); trên thị trường lưu thông phân phối vẫn còn những sản phẩm chưa đúng quy chế về bao gói, nhãn mác… Đặc biệt, vẫn tồn tại các sản phẩm thực phẩm có phẩm màu công nghiệp, hóa chất cấm sử dụng, không rõ nguồn gốc… Hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ không bảo đảm vệ sinh môi trường, VSATTP. Tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tuy đã hạn chế, song vẫn còn xảy ra ở một số địa phương. Một số tổ chức, cá nhân buôn bán, chăn nuôi, vận chuyển gia súc, gia cầm vì lợi nhuận đã bỏ qua các yêu cầu trong kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và VSATTP. Bên cạnh đó, thách thức lớn nhất hiện nay trong việc bảo đảm VSATTP của Thủ đô là đội ngũ cán bộ làm công tác này ở các tuyến còn thiếu, trình độ chuyên môn còn yếu. Hệ thống tổ chức quản lý chưa thống nhất, chưa đủ mạnh; việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật còn chậm, chưa đáp ứng kịp thời cho công tác quản lý trong giai đoạn mới. Nhận thức về những tác hại gây ra từ thực phẩm không bảo đảm vệ sinh của nhiều tổ chức, cá nhân SXKD và tiêu dùng thực phẩm còn kém; tập quán, trình độ dân trí, nhất là do thu nhập thấp nên vẫn còn tình trạng NTD sử dụng thực phẩm giá rẻ, không bảo đảm ATTP.
Trước thực trạng trên, thời gian tới Hà Nội cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhằm vận động, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân, các hộ kinh doanh và doanh nghiệp về Luật ATTP. Phát huy vai trò giám sát của người dân và cộng đồng đối với các sản phẩm thực phẩm. Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD cần chủ động tham gia công tác tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào quá trình SXKD, chế biến, vận chuyển, bảo đảm VSATTP… Nâng cao chất lượng, năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện đồng bộ, các chính sách, các quy định về VSATTP. Tăng cường kiểm tra, giám sát và đẩy mạnh hoạt động phối hợp liên ngành trong việc thực hiện Luật ATTP và các quy định pháp luật về VSATTP; kiên quyết phòng ngừa, đấu tranh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.