Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội với Trường Sa - trọn nghĩa vẹn tình

Văn Ngọc Thuỷ| 27/04/2023 19:24

(HNMO) - Hà Nội đến với Trường Sa không chỉ có tình yêu mà còn là trách nhiệm lớn lao của đất liền, của Thủ đô hướng về vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…

Trong những ngày tháng 4 lịch sử, kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 48 năm Ngày Giải phóng quần đảo Trường Sa, từ ngày 20 đến 27-4, Đoàn công tác thành phố Hà Nội do đồng chí Nguyễn Quang Đức, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Nội chính Thành ủy làm Trưởng đoàn cùng đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các quận huyện, sở ngành của thành phố đã thực hiện chuyến thăm, động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa và cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1. Đây là năm thứ 13 Hà Nội tổ chức các đoàn công tác thăm và làm việc tại nơi tuyến đầu sóng gió bởi Trường Sa thân yêu luôn trong mỗi trái tim của người dân Thủ đô…

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức cùng các thành viên Đoàn công tác tham dự Lễ chào cờ tại đảo Trường Sa.

Yêu Trường Sa bằng những việc làm thiết thực

Hướng đến Trường Sa với những việc làm thiết thực, từ năm 2009 đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến cán bộ, quân và dân quần đảo Trường Sa. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời, thực hiện chủ trương của Thành ủy Hà Nội nhằm tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức về chiến lược biển, đảo, chủ quyền hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cho cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân Thủ đô, Hà Nội đã tổ chức nhiều chuyến tàu vượt sóng gió biển Đông, mang bao nghĩa nặng, tình sâu đến vùng biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong hải trình lần này, con tàu KN-490 đã đưa đoàn công tác đến 5 đảo, điểm đảo và khu vực Nhà giàn DK1/Quế Đường, mang theo tình cảm và những món quà ý nghĩa của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô dành tặng những người con anh dũng nơi vùng biển đảo thiêng liêng. Tiếp nối các hoạt động hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng nâng cao điều kiện làm việc, sinh hoạt, học tập của quân và dân trên các đảo; trong chuyến công tác này, Hà Nội phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân khởi công công trình nhà văn hóa đa năng trên đảo Đá Đông B.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức trồng cây lưu niệm tại đảo Song Tử Tây.

​Phát biểu tại lễ khởi công, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức khẳng định, cho dù Hà Nội cũng như cả nước vẫn còn không ít khó khăn trong công cuộc khôi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19 nhưng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô luôn một lòng hướng về Trường Sa thân yêu.

“Công trình trị giá 50 tỷ đồng được khởi công hôm nay tuy giá trị vật chất không lớn nhưng mang giá trị tinh thần, tình cảm rất sâu sắc từ tấm lòng của mỗi người dân Thủ đô”, đồng chí Nguyễn Quang Đức khẳng định.

Ghi nhận và trân trọng những tình cảm của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô Hà Nội dành cho Trường Sa, đồng chí Hoàng Hồng Hà, Chuẩn Đô đốc, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân thay mặt các cán bộ, chiến sĩ ở đảo Đá Đông B cũng như Quân chủng Hải quân, gửi lời cảm ơn sâu sắc đến đồng bào Thủ đô nhiều năm qua đã sát cánh cùng Trường Sa thân yêu. Đồng chí Phó Tư lệnh khẳng định: Công trình Nhà văn hoá đa năng trên đảo Đá Đông đồng bào Thủ đô Hà Nội tặng Trường Sa hôm nay có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đời sống của cán bộ, chiến sĩ cũng như bà con ngư dân, công trình còn là cột mốc chủ quyền vững chắc giữa biển khơi. Và điều quan trọng nhất, đó là kết tinh của tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết tạo nên nét văn hoá đặc trưng của dân tộc Việt Nam, trở thành sức mạnh để chúng ta chiến thắng mọi kẻ thù. 

Để bày tỏ lòng tri ân sâu sắc tới đồng bào Thủ đô, đồng chí Phó Tư lệnh yêu cầu đơn vị thi công, đơn vị giám sát thực hiện đúng thiết kế đã được phê duyệt, bảo đảm tiến độ, chất lượng, sớm đưa công trình Nhà văn hoá đa năng trên đảo Đá Đông B vào sử dụng hiệu quả.

Trong chuyến đi này, các đơn vị của Hà Nội cũng đã mang tới Trường Sa những món quà vô cùng ý nghĩa, thiết yếu. Đó là máy lọc nước, quạt tích điện, máy trình chiếu, máy bơm nước, máy vi tính, máy in, ti vi… cùng những đặc sản của Hà Nội như bánh chưng, giò chả, cốm, chè sen, kẹo lạc, ô mai… Đặc biệt, trước chuyến công tác Trường Sa, Thành đoàn Hà Nội đã phát động phong trào “Thư gửi nơi đảo xa” và vẽ tranh về Trường Sa đến cô và trò các trường tiểu học tại Hà Nội.

Đồng chí Nguyễn Mai Anh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành Đoàn Hà Nội cho biết: “Rất nhiều bức thư, bưu thiếp, tranh vẽ, bài thơ… đầy ắp tình cảm thương mến, tin yêu, tự hào của các bạn nhỏ Thủ đô được gửi đến cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa. Chúng tôi đã lựa chọn những tác phẩm đẹp, ý nghĩa trao tặng đến các đảo, điểm đảo và nơi nào cũng được chiến sĩ đón nhận vô cùng xúc động”.

Một món quà đặc biệt nữa mà Đoàn công tác Hà Nội đã mang ra Trường Sa lần này là hàng ngàn bát phở mang hương vị Hà Nội. Việc vận chuyển vật liệu nấu phở ra đảo xa vô cùng kỳ công nhưng tại mỗi điểm đảo Đoàn đi qua, phở Hà Nội luôn được các cán bộ, chiến sĩ đón nhận hào hứng và cảm động. 

Đoàn công tác thành phố Hà Nội thăm Trường Sa.

​Đây cũng là năm thứ 13, Bộ Tư lệnh Thủ đô tham mưu Thành ủy, UBND thành phố tổ chức các đoàn công tác Trường Sa. Ngoài việc kết nối với Quân chủng Hải quân lên danh sách quà tặng, lịch trình hoạt động, các cán bộ tham gia chuyến công tác đã cùng các lực lượng sắp xếp, quản lý, vận chuyển hàng hoá, quà tặng, nhu yếu phẩm an toàn đến các đảo... Bên cạnh đó, đơn vị cũng tham mưu thành phố làm tốt hơn nữa công tác hậu phương quân đội, trong đó có việc thăm hỏi, tặng quà, động viên các gia đình trên địa bàn Hà Nội có con em đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa.

Những đóng góp của Đảng bộ, chính quyền, quân, dân Thủ đô Hà Nội đã góp phần nâng cao điều kiện làm việc, sinh hoạt của bộ đội và nhân dân trên các đảo. Đồng thời, những công trình vững chắc giữa biển khơi cũng chính là chỗ dựa tin cậy để bà con ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, khai thác, đánh bắt hải sản trên vùng biển xa bờ - trở thành cột mốc sống khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Những món quà hết sức ý nghĩa, thiết thực là tấm lòng, tình cảm của Hà Nội cũng như các địa phương, đơn vị trong cả nước luôn hướng về biển, đảo của Tổ quốc; để cùng chung sức, chung lòng chia sẻ những khó khăn, vất vả với quân và dân huyện đảo Trường Sa trong thực hiện nhiệm vụ vẻ vang bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Và trong thời gian tới, công việc này sẽ ngày càng được triển khai trách nhiệm hơn, thiết thực và hiệu quả hơn nữa.

Trường Sa không còn xa…

Vượt qua ngàn trùng sóng gió biển Đông, Đoàn công tác đã đến thăm quân, dân 5 đảo, điểm đảo: Song Tử Tây, Đá Thị, Sinh Tồn Đông, Đá Đông B và khu vực Nhà giàn DK1/8 Quế Đường. Tại những cột mốc chủ quyền hiên ngang giữa biển khơi, mọi cuộc hội ngộ giữa muôn trùng sóng nước đều như vỡ oà cảm xúc của những người thân lâu ngày được gặp lại.​

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức với các cán bộ, chiến sĩ trong chuyến thăm các đảo.

​Đảo Song Tử Tây là điểm dừng chân đầu tiên của Đoàn công tác. Cơn bão số 9 với mức gió giật cấp 17 quét qua xã đảo Song Tử Tây tháng 12-2021 đã khiến hơn 90% cây xanh bị gãy đổ, tất cả ngôi nhà bị tốc mái. Nhưng hôm nay, quân và dân trên đảo đã trồng mới được nhiều cây xanh, chỉnh trang lại các dãy nhà ở và nhà công vụ. Màu xanh trên đảo đã dần trở lại, nhìn từ xa, đảo Song Tử Tây trông giống như một ngôi làng trù phú với mái ngói đỏ tươi, cây cối mướt màu xanh giữa biển cả mênh mông.

Tại đây, sau khi thắp hương tại chùa Song Tử Tây, dâng hương tưởng niệm Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, trồng cây lưu niệm; Đoàn đã nghe Thượng tá Nguyễn Xuân Trường - Chỉ huy đảo giới thiệu và báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của đảo. Chia sẻ cùng những khó khăn của quân và dân trên đảo, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức xúc động nói: "Hôm nay, đến thăm cán bộ, chiến sỹ đảo Song Tử Tây, được tận mắt chứng kiến những gian nan, thử thách nơi đầu sóng, ngọn gió của những người lính nơi biển khơi, chúng tôi càng thêm tự hào và tin tưởng hơn về lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam Anh hùng. Thủ đô Hà Nội và các địa phương, các cơ quan chức năng, cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, luôn hướng về biển, đảo với tinh thần trách nhiệm cao, với tình cảm thân thương và sâu sắc nhất; đã và đang phối hợp với Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân thực hiện những công việc cụ thể, thiết thực nhằm động viên và chia sẻ về tinh thần, vật chất đối với biển đảo quê hương…".

Đồng chí Nguyễn Quang Đức cũng gửi gắm niềm tin yêu của mỗi người dân Thủ đô và tin tưởng các chiến sĩ luôn vững vàng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vẻ vang nơi đầu sóng ngọn gió.

Các chiến sĩ Trường Sa nhận thư, ảnh của tuổi trẻ Thủ đô gửi tặng.

​Giữa cái nắng cháy da cháy thịt, tại Bệnh xá đảo Song Tử Tây, tôi gặp Đại uý Nguyễn Duy Đông đang rưng rưng xúc động nhận gói quà vợ anh gửi ra từ đất liền. Đông sinh năm 1984, nhà ở Xuân La, quận Tây Hồ, công tác tại Khoa Tai – Mũi Họng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, ra công tác tại xã đảo đã tròn một năm. Bệnh xá của đảo là nơi chăm sóc sức khoẻ cho cán bộ, chiến sỹ cũng như bà con ngư dân, tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển. Mắt rưng rưng, Đông chia sẻ: “Mẹ tôi mới mất được một tuần, bố tôi ở với gia đình anh trai nên tôi cũng yên tâm công tác. Mong mọi người ở nhà an lòng vì tôi ở ngoài này vẫn khoẻ, anh em ở đảo sớm tối có nhau, thân thiết như người một nhà và được quan tâm không thiếu thốn thứ gì…”

Tại đảo Sinh Tồn Đông, sau khi thăm và tặng quà các cán bộ, chiến sĩ, đồng chí Nguyễn Quang Đức và đoàn công tác đã vô cùng xúc động khi nghe câu chuyện gia đình của Trung tá Nguyễn Kỳ Hợp, Chính trị viên đảo Sinh Tồn Đông. Trung tá Hợp quê ở Hà Tĩnh, có hai con bị bệnh hiểm nghèo nhưng vẫn tình nguyện xin ra đảo công tác, đến nay đã được một năm. Vợ anh ở nhà cũng vừa trải qua ca phẫu thật tim ngày 10-4…

Thay mặt Đoàn công tác, đồng chí Nguyễn Quang Đức đã trao quà và động viên Trung tá Hợp vững tâm, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trưởng đoàn Hà Nội cũng đã trao quà, thăm hỏi gia đình Thiếu tá Nguyễn Tiến Xuân, con trai của Liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong – người đã hy sinh cùng đồng đội khi chiến đấu anh dũng trong trận chiến Gạc Ma ngày 14-3-1988; gửi quà thăm hỏi, động viên gia đình Anh hùng Liệt sĩ Trần Văn Phương qua người con rể của Liệt sĩ hiện đang công tác trên tàu KN 490. Đại diện Đoàn công tác Hà Nội cũng đã đi xuồng đến trực tiếp tặng quà cho 3 tàu kiểm ngư và một tàu vận tải đang thi hành nhiệm vụ tại các khu vực đoàn đi qua. 

Tại thị trấn Trường Sa – nơi được ví như "thủ đô" trên biển của quần đảo Trường Sa, các thành viên đã tham dự Lễ chào cờ thiêng liêng, dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, thắp hương và cung tiến lễ vật tại chùa Trường Sa… 

Thượng tá Phạm Thế Nhương – Chỉ huy trưởng, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa cho biết: Đảo có UBND thị trấn, có âu tàu, có làng chài để ngư dân vào tránh trú bão, có các hộ dân sinh sống, có đường băng, nhà ga hàng không. Đảo cũng có nhiều cây xanh, đặc biệt là có đến 9 giếng nước ngọt. Qua 48 năm xây dựng và trưởng thành, quân và dân trên đảo Trường Sa đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý.

Những ấn phẩm báo Hànộimới đến với đảo xa.

Thay mặt Đoàn công tác, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức ghi nhận và biểu dương những thành tích mà chính quyền và quân, dân thị trấn Trường Sa đã đạt được. Trưởng Ban Nội chính Thành ủy cũng chia sẻ, những ngày qua, các thành viên Đoàn công tác đã được trực tiếp chứng kiến, cảm nhận sâu sắc về đời sống, công việc và những khó khăn, vất vả mà mỗi cán bộ, chiến sỹ trên đảo phải nỗ lực vượt qua. Mỗi điểm đảo đều để lại trong các thành viên cảm xúc, ấn tượng sâu sắc, trân trọng đối với những cống hiến, hy sinh thầm lặng của các cán bộ, chiến sỹ trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của quê hương, đất nước; bảo vệ sự bình yên, ổn định và phát triển cho dân tộc Việt Nam.

Đến Trường Sa hôm nay, màu xanh đã phủ kín các điểm đảo, nơi nào cũng có vườn rau xanh mát, hệ thống điện gió, điện mặt trời, máy lọc nước biển… Đời sống sinh hoạt và chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ Trường Sa thực sự đã thay đổi rất nhiều với những quan tâm, động viên từ đất liền và sự kiên cường, bất khuất của mỗi người lính đảo.

Kết thúc một chuyến đi nhiều ý nghĩa của Đoàn công tác Hà Nội cùng lực lượng Hải quân và các đơn vị, mỗi thành viên đều có những trải nghiệm của riêng mình về cuộc sống nơi đảo xa, từ đó thêm yêu và ý thức được trách nhiệm của mình đối với mỗi tấc đất, ngọn sóng nơi biển trời thiêng liêng cha ông đã đổ bao công sức, máu xương gìn giữ. 

Liên tục từ năm 2009 đến nay, Hà Nội đã tổ chức 13 đoàn công tác cùng hơn 500 tỷ đồng quà tặng, trong đó có 11 công trình được xây dựng tại quần đảo Trường Sa. Trong suốt hải trình đến với Trường Sa thân yêu, Đoàn công tác, mà nòng cốt là Đoàn Hà Nội, đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn nghệ, tổ chức cuộc thi sáng tác thơ ca, nhạc họa hướng đến Trường Sa. Đặc biệt, Giải chạy “Vì Trường Sa thân yêu” lần đầu tiên được tổ chức tại đường băng sân bay Trường Sa đã mang đến nhiều cảm xúc đặc biệt cho các vận động viên và chiến sĩ cùng tham gia…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội với Trường Sa - trọn nghĩa vẹn tình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.