Xã hội

Lan tỏa tinh thần “Hà Nội vì Trường Sa”

Hiền Phương 03/10/2023 - 06:33

Hơn một tháng qua, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đều tổ chức giao lưu với chủ đề “Hà Nội với Trường Sa và trách nhiệm của lực lượng vũ trang Thủ đô”.

Các buổi giao lưu đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Thủ đô với nhiệm vụ bảo vệ, giữ vững độc lập, chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong tình hình mới.

ha-noi-voi-truong-sa.jpg
Các đại biểu tham gia tọa đàm “Hà Nội với Trường Sa và trách nhiệm của lực lượng vũ trang quận Bắc Từ Liêm”, tháng 8-2023.

Xúc động tinh thần vượt khó

Là khách mời tại buổi tọa đàm với chủ đề “Hà Nội với Trường Sa và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 301”, câu chuyện mà Chuẩn đô đốc Phạm Văn Luyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân - người nhiều năm gắn bó với đảo Trường Sa Lớn khiến nhiều người xúc động.

“Ngày ấy, nguồn nước ngọt ở Trường Sa chủ yếu dựa vào nước mưa nên phải dùng rất tiết kiệm. Để không lãng phí nước, mỗi khi tắm, chúng tôi lấy xô, chậu hứng lại, tận dụng để tưới cây, tưới rau xanh phục vụ cuộc sống...”, Chuẩn đô đốc Phạm Văn Luyện kể.

Trong thời gian công tác tại Trường Sa ngoài những khó khăn, trở ngại như nhiều đồng đội đã chia sẻ, Đại tá Đào Văn Nhận, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội nhớ nhất là những ngày thu hoạch rau xanh. Nếu được nhiều, đơn vị mang luộc, nếu ít thì thái nhỏ nhất để nấu một nồi canh, cả đơn vị liên hoan.

“Câu chuyện của thủ trưởng giản dị vậy thôi nhưng cũng đủ để những người chưa một lần ra đảo như tôi hình dung được những khó khăn nơi đây”, Thiếu úy Nguyễn Văn Nam (Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội) cho biết.

Đặc biệt, cựu chiến binh Hoàng Bùi Hải - người từng tham gia sự kiện 14-3-1988 đã kể lại thời khắc cùng đồng đội chiến đấu giữ đảo. “Ngay khi quân địch nổ phát súng đầu tiên, Trung úy Trần Văn Phương - Đảo trưởng đảo Gạc Ma hy sinh. Trận chiến đã khiến 64 đồng đội của tôi ngã xuống để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”, cựu chiến binh Hoàng Bùi Hải chia sẻ.

Trong các chương trình giao lưu, tọa đàm, bên cạnh những thước phim quý về Trường Sa, những chia sẻ của các nhân chứng đã từng tham gia huấn luyện, chiến đấu bảo vệ đảo còn có nhiều câu chuyện xúc động của những người vợ lính.

Chị Phạm Thị Quyên, trú tại phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy), vợ Đại úy Nguyễn Thế Hưng đang công tác tại đảo Len Đao chia sẻ: “Tôi là giáo viên mầm non nên thường phải đến trường sớm, vì vậy, hai con tôi hầu như ngày nào cũng đến trường sớm và đón muộn hơn các bạn bởi mẹ còn bận việc lớp. Có lần con phải mổ ruột thừa gấp, chỉ đến khi ca mổ thành công tôi mới dám báo tin cho chồng...”.

Luôn hướng về biển, đảo quê hương

Những năm qua, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền biển, đảo bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân và lực lượng vũ trang Thủ đô về vị trí, vai trò chiến lược của biển, đảo nước ta.

Trung úy Nguyễn Phạm Thanh Tùng, Chính trị viên Đại đội 18 thông tin, Trung đoàn 692, Sư đoàn 301 cho biết: “Được tham dự các chương trình tọa đàm, mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Thủ đô càng thấy rõ trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ biển, đảo; càng hăng say huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Thủ đô trong mọi tình huống”.

Là đơn vị tổ chức bài bản thu hút đông đảo thanh niên, người dân trên địa bàn, Bí thư Quận ủy Bắc Từ Liêm Lưu Ngọc Hà nhấn mạnh: “Thời gian tới, lực lượng vũ trang quận tiếp tục tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm mỗi bước phát triển kinh tế - xã hội của quận là một bước tăng cường củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, làm cơ sở để đóng góp sức người, sức của cho nhiệm vụ bảo vệ biển đảo, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, thời gian tới, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tiếp tục chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ về những hy sinh, khó khăn, vất vả của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang công tác, làm nhiệm vụ nơi hải đảo. Bên cạnh đó, Bộ Tư lệnh Thủ đô mong rằng, cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân Thủ đô tiếp tục có nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực để cùng cả nước chung tay xây dựng biển, đảo quê hương ngày càng mạnh giàu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Cứ mỗi độ tháng 4 về, con tàu chở cán bộ và nhân dân Hà Nội ra thăm và động viên quân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 lại xuất phát. Từ năm 2009 đến nay, đã có nhiều đoàn công tác của Hà Nội ra đảo, hỗ trợ 559 tỷ đồng để xây dựng 11 công trình, và nhiều trang thiết bị phục vụ quân dân Trường Sa. Trung tướng Nguyễn Ngọc Tuấn, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội khẳng định: “Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và các địa phương trong toàn thành phố sẽ tiếp tục lan tỏa tinh thần “Hà Nội vì Trường Sa” sâu rộng trong toàn lực lượng và nhân dân Thủ đô”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa tinh thần “Hà Nội vì Trường Sa”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.