Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội!

Duy Biên| 30/09/2017 06:20

(HNM) - Hà Nội có lợi thế vượt trội so với cả nước không chỉ là vị thế Thủ đô, mà còn có cơ sở hạ tầng kỹ thuật khá đồng bộ và hiện đại, nhiều cơ quan đầu mối và cơ sở giao thông quốc tế, nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào, có Luật Thủ đô, với nhiều chính sách và cơ chế đặc thù về kinh tế, tài chính...


Tận dụng “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đó nên thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã phát huy thế mạnh, đạt được nhiều kết quả khả quan, đặc biệt hai năm gần đây, kinh tế - xã hội không những ổn định mà còn phát triển.

Minh chứng rõ nhất là 9 tháng đầu năm, Hà Nội đã đạt được thành tích đáng kể như: Thu ngân sách tăng 16,2% so với cùng kỳ; thu hút vốn đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước tăng mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được chăm lo tốt hơn... Điều đó cho thấy, đường lối điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, hiện nay, để hoàn thành những mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể về kinh tế - xã hội, Hà Nội cũng đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức cần được Chính phủ, các bộ, ngành trung ương đặc biệt quan tâm, hỗ trợ.

Trong bối cảnh hiện nay, nhiều vấn đề “nóng” đang được Hà Nội quan tâm như: Xem xét sửa đổi Điều 17 - Luật Đầu tư công theo hướng “Đối với TP Hà Nội, giao HĐND thành phố quyết định chủ trương đầu tư đối với các Dự án nhóm A sử dụng ngân sách thành phố”. Bên cạnh đó, một vấn đề khác là kiến nghị Chính phủ giao cho thành phố tiếp tục làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp sau sắp xếp, cổ phần hóa và cho phép TP Hà Nội được quản lý, sử dụng số tiền thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để bổ sung nguồn vốn thực hiện các dự án trọng điểm của thành phố, trọng tâm là các tuyến đường sắt đô thị. Đồng thời, phân cấp cho thành phố được linh hoạt trong việc quản lý, điều hành và sử dụng quỹ dự trữ tài chính của TP Hà Nội. Ngoài ra, một số vấn đề khác cũng cần được Trung ương định hướng, hỗ trợ phát triển...

Chính những "điểm nghẽn" ấy, trong đó có rất nhiều vấn đề đến từ cơ chế khiến Hà Nội chưa tận dụng được hết các nguồn lực. Vì thế, trong buổi làm việc với TP Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng còn “nợ” việc xây dựng cơ chế, chính sách phân cấp cho Hà Nội. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần tại cuộc làm việc với Hà Nội là tạo cơ chế vượt trội cho thành phố, Trung ương giữ cân đối chung, cái gì Hà Nội làm được, làm tốt thì để Hà Nội làm, “để không phải chạy lên, chạy xuống các bộ về chuyện này, chuyện khác”.

Vậy nhưng, nếu chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ từ Trung ương là chưa đủ, hơn ai hết Hà Nội phải chủ động nỗ lực, sáng tạo để đạt được mục tiêu về kinh tế - xã hội đã đề ra, theo đúng Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra. Trong đó, các sở, ngành, quận, huyện, xã, phường ưu tiên hàng đầu là tiếp tục thực hiện tốt “Năm kỷ cương hành chính 2017”. Cùng với nâng cao thái độ phục vụ người dân là kiến tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi hơn cho phát triển kinh tế Thủ đô cả về lượng và về chất, tăng hàm lượng công nghệ trong mỗi sản phẩm; đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ và tập trung sâu hơn vào những lợi thế mà Hà Nội sở hữu, nhất là yếu tố thể chế và con người…

Với tinh thần: Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội, được sự hỗ trợ của Trung ương và nội lực của thành phố được phát huy sáng tạo và quyết liệt, hiệu quả sẽ tăng thêm “sức” cho Thủ đô, cũng như cho cả nước.

Hơn lúc nào hết, nhân dân có niềm tin vào thắng lợi đó!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.