Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh

Hương Ly| 23/11/2022 17:04

(HNMO) - Sau hơn hai ngày thảo luận sôi nổi, Hội nghị lần thứ mười, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội (khóa XVII) đã ghi nhận 166 ý kiến của các đại biểu đóng góp nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Đặc biệt, trước yêu cầu phát triển mới, thành phố khẳng định sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn, tạo động lực, nguồn lực mới, phấn đấu đạt được những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu, giải trình, làm rõ các ý kiến thảo luận tại hội nghị. Ảnh: Viết Thành

Đề xuất đưa Khu công nghệ cao Hòa Lạc về thành phố quản lý

Báo cáo, giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu góp ý đối với 5 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, đầu tư công và tài sản công, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, đã có 110 lượt đại biểu phát biểu với 166 ý kiến trực tiếp.

Theo đồng chí Hà Minh Hải, liên quan đến việc phân bổ nguồn lực, các đại biểu đề nghị rà soát và thống kê toàn bộ các nguồn lực hiện hữu của thành phố. Trong đó, đánh giá 8 khoản thu chưa đạt được, đặc biệt là của khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài…

Các đại biểu cũng cho rằng cần tiếp tục rà soát tạo động lực mới, nguồn lực mới để tập trung phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông kết nối liên vùng, các tuyến đường vành đai để tạo không gian phát triển mới; quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng số, phát triển khoa học - công nghệ. Trước mắt là tập trung đề xuất chuyển giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý về thành phố quản lý.

Một số ý kiến đại biểu cho rằng cần tiếp tục đổi mới, khơi thông nguồn lực từ thu hút xã hội hóa thông qua các phương thức đầu tư tư - quản lý tư; đầu tư công - quản lý tư; đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP); huy động nguồn lực thông qua phát hành trái phiếu và vay của chính quyền địa phương…

Các đại biểu cũng đã đóng góp nhiều ý kiến về đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế để tăng trưởng nhanh, bền vững. Để thực hiện, cần dựa vào 4 trụ cột, gồm: Khoa học - công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; nguồn nhân lực chất lượng cao với tư duy, kỹ năng và phương pháp làm việc chuyên nghiệp, khoa học; bổ sung các chỉ tiêu làm động lực đột phá, đặc biệt là các chỉ tiêu thống kê về: Kinh tế số, công nghiệp văn hóa, chính quyền đô thị, chính quyền số, thành phố thông minh. Cùng với đó là tiếp tục triển khai quyết liệt về phân cấp ủy quyền theo phương châm cấp nào gần dân, sát dân nhất thì thực hiện.

Nêu ý kiến về lĩnh vực đầu tư công, nhiều ý kiến đại biểu đã thống nhất đánh giá, đây là khâu yếu của các năm và đề nghị phân tích, đánh giá rõ nguyên nhân thực chất của việc giải ngân chậm. Trong đó, một số đại biểu có ý kiến đề nghị đánh giá về hiệu quả đầu tư, thứ tự ưu tiên, nhất là với lĩnh vực giao thông và cho rằng, cần đánh giá giám sát hiệu quả đầu tư từ trước khi dự án được phê duyệt. Nhiều đại biểu cũng cho rằng, danh mục đầu tư hiện nay đang dàn trải, không tập trung vào trọng tâm, trọng điểm, “dễ làm, khó bỏ”…

Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến về Đề án quản lý tài sản công, đánh giá cao và tầm quan trọng của đề án, đồng thời đề nghị bổ sung một số nội dung và đề ra một số giải pháp để thực hiện đề án. Trong đó, các đại biểu đề nghị số hóa toàn bộ, xây dựng cơ sở dữ liệu, xây dựng phần mềm để quản lý toàn bộ tài sản công gắn với phân loại để quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả…

Về định mức phân bổ ngân sách, đồng chí Hà Minh Hải cho biết, thành phố dự kiến định mức cụ thể cho 30 quận, huyện, thị xã trong năm 2023 là 7.861,421 tỷ đồng, tăng 36,4% so với năm trước để đáp ứng chi nhiệm vụ đầu tư xây dựng cơ bản phân cấp thêm cho các quận, huyện, thị xã.

Đối với định mức phân bổ chi thường xuyên, dự toán chi thường xuyên, Trung ương giao cho thành phố xác định trên cơ sở định mức phân bổ quy định tại Quyết định 30/2021/QĐ-TTg và xác định tăng thêm 2.266 tỷ đồng, tăng 5% so với dự toán năm 2022.

Về đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cho biết, có nhiều ý kiến của các đại biểu tham gia đóng góp đối với nội dung này, trong đó đều thống nhất đánh giá, nhận định, để tăng trưởng nhanh, bền vững, cần dựa vào khoa học - công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số với khoa học - công nghệ là lực lượng sản xuất chính; 3 trụ cột gồm: Chính quyền số, xã hội số và kinh tế số.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải, Ban Cán sự đảng UBND thành phố sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến các đại biểu để hoàn thiện nội dung các tờ trình, báo cáo.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là các lĩnh vực: Quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng; thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp dựa trên đổi mới công nghệ, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu…

Đồng chí Đinh Tiến Dũng cũng nêu rõ những chỉ tiêu phấn đấu của thành phố Hà Nội trong năm 2023. Trong đó, thành phố sẽ phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7% trở lên. Tốc độ tăng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn 10,5-11%, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 7,5-8%… Từ đó yêu cầu người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung cao độ, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022, tạo tiền đề vững chắc cho năm 2023.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.