(HNM) - Năm tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố gặp nhiều khó khăn do giá cả nguyên vật liệu, vật tư đầu vào tăng, lãi suất cho vay của các ngân hàng cao...
Trong điều kiện đó, những doanh nghiệp có thương hiệu của ngành công nghiệp Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp mở rộng thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa, kết hợp việc tuyên truyền, quảng bá để đẩy mạnh sản xuất, đặc biệt là những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp toàn thành phố phát triển. Tuy nhiên, để hoàn thành các chỉ tiêu trong năm, ngày 31-5, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Huy Tưởng cùng đại diện các sở, ban, ngành đã làm việc với một số doanh nghiệp khu vực quận Thanh Xuân nhằm tháo gỡ vướng mắc khó khăn, thúc đẩy sản xuất công nghiệp cho các doanh nghiệp.
Theo báo cáo, giá trị sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng 4,1% so tháng trước và tăng 13,3% so cùng kỳ. Năm tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng 12,6% so cùng kỳ. Vốn đầu tư thuộc nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 5 đạt 1.768 tỷ đồng, tăng 16,8% so cùng kỳ, 5 tháng đạt 6.095,7 tỷ đồng, tăng 17,3% so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn đạt 752,2 triệu USD, tăng 6,5% so với tháng trước và tăng 3,2% so cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu địa phương tăng 7,4% so tháng trước và tăng 10,3% so cùng kỳ. Nếu như tháng 4, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều giảm so tháng trước thì tháng 5, nhiều mặt hàng đã tăng như: Hàng nông sản (tăng 6,7%), hàng may dệt (tăng 9%), giày dép các loại và sản phẩm từ da (tăng 13,8%), thủy tinh và sản phẩm từ thủy tinh (tăng 4,4%)...
Xác định năm 2011 là năm rất khó khăn trong sản xuất kinh doanh, ngay từ đầu năm, các doanh nghiệp đã thực hiện thay đổi công nghệ để sử dụng các vật tư có giá mua thấp vào sản xuất; cải tiến quy trình công nghệ để giảm định mức vật tư; đẩy mạnh sáng kiến cải tiến để tăng năng suất lao động nhằm giảm chi phí cố định; áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện, theo đó, tổ chức quá trình sản xuất hợp lý tại các phân xưởng để hạn chế sử dụng điện vào giờ cao điểm, cải tạo hệ thống chiếu sáng... đồng thời, tập trung chỉ đạo mở rộng thị trường xuất khẩu, giữ vững và phát triển thị trường nội địa, tạo điều kiện ổn định sản xuất, ổn định việc làm, nâng cao thu nhập… Điển hình là Công ty TNHH một thành viên Giày Thượng Đình thực hiện tốt việc đặt mua dự trữ với số lượng lớn vật tư cơ bản như cao su hóa chất và vải các loại tại thời điểm thích hợp nên luôn bảo đảm ổn định sản xuất và đặc biệt là bình ổn về giá. Linh hoạt phương thức vay vốn để giảm lãi vay ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ công nợ và tích cực thu hồi công nợ; duy trì có hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001: 2008.
Tuy nhiên, 7 tháng cuối năm vẫn tiềm ẩn rất nhiều khó khăn do lãi suất vay ngân hàng tăng cao, vay vốn để sản xuất lại càng khó khăn; giá cả nguyên vật liệu, giá gia công dịch vụ tăng liên tục và đang ở mức cao mà vẫn khó khăn trong tuyển dụng lao động. Thậm chí, ở một số ngành, nguồn nguyên vật liệu sản xuất trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu. Ví dụ như Công ty TNHH một thành viên Dệt 19-5 Hà Nội luôn thiếu vốn lưu động do lãi suất ngân hàng quá cao không duy trì được sản xuất; giá nguyên, nhiên liệu vật tư tăng từ 150% đến 200% đã ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm.
Bên cạnh các yếu tố trên, thì thuế đất năm 2011 đối với các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội tăng cao cũng góp thêm khó khăn cho các doanh nghiệp. Ví dụ tiền thuế đất năm nay của Công ty Dây cáp điện Thượng Đình tăng gần 4 lần (cả năm 2010 là khoảng 94 triệu đồng thì 6 tháng năm 2011 phải nộp 170 triệu đồng), thuế đất của Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông tăng 15%; thuế đất của Công ty TNHH một thành viên Thống Nhất tăng từ 1 tỷ đồng (năm 2010) lên 3 tỷ đồng (năm 2011)…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Nguyễn Huy Tưởng đã ghi nhận, mặc dù trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế nhưng các doanh nghiệp đã không trông chờ mà chủ động tìm lối thoát cho mình, đặc biệt, đã cố gắng tìm kiếm thị trường, tìm nguồn nguyên liệu, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định thu nhập cho người lao động…
Phó Chủ tịch cũng yêu cầu các sở, ban, ngành tăng cường hơn nữa sự phối hợp, bám sát để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, làm sao để Hà Nội hoàn thành tốt 2 nhiệm vụ quan trọng là an sinh xã hội và tăng trưởng sản xuất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.