(HNMO) - Sáng 1-8, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký Công điện khẩn số 11/CĐ-UBND yêu cầu các cấp, ngành, các đơn vị chủ động ứng phó trước diễn biến bất thường của cơn bão số 3.
Theo yêu cầu của Chủ tịch UBND thành phố, các cấp, ngành, đơn vị tổ chức ứng trực 24/24h; theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 3, tình hình mưa, lũ, úng ngập, sự cố thiên tai trên địa bàn, kiểm tra các trọng điểm xung yếu, các công trình xây dựng, đặc biệt là các công trình đang thi công, hồ đập, công trình thủy lợi; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, trang thiết bị, phương tiện theo phương châm “3 sẵn sàng, 4 tại chỗ, 5 không”, chủ động ứng phó kịp thời mọi diễn biến của bão, mưa, lũ, úng ngập, sự cố thiên tai, bảo đảm an toàn công trình, tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.
Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã theo dõi chặt chẽ tình hình bão số 3, mưa lũ, úng ngập sự cố thiên tai trên địa bàn; tăng cường kiểm tra hệ thống đê kè, cống, hồ, đập, công trình thủy lợi, các công trình xây dựng, các khu nhà ở, kịp thời phát hiện, xử lý ngay những hư hỏng, sự cố, bảo đảm an toàn công trình; kịp thời thực hiện đồng bộ các biện pháp tiêu úng, bảo vệ phục hồi sản xuất.
Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội được yêu cầu tập trung kiểm tra, rà soát hệ thống công trình tiêu nước khu vực nội thành, giải tỏa ngay các vật cản làm ách tắc, cản trở dòng chảy, bảo đảm thông thoáng; triển khai các biện pháp tiêu thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành; tập trung xử lý kịp thời tiêu thoát nước tại các điểm úng ngập cục bộ.
Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội rà soát, kiểm tra, cắt tỉa ngay cây nặng tán, chặt hạ những cây xanh có nguy cơ đổ, gãy, mất an toàn; kịp thời giải tỏa cây đổ, không để ùn tắc giao thông...
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, đơn vị khác nhằm chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ gây ra.
Các đơn vị tổ chức ứng trực 24/24h, sẵn sàng triển khai khi có lệnh
Thực hiện Công điện của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội, các công ty TNHH một thành viên: Công viên cây xanh Hà Nội, Thoát nước Hà Nội cũng ban hành công văn hỏa tốc yêu cầu các xí nghiệp, phòng ban nghiệp vụ triển khai công tác phòng, chống, ứng phó ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Trong đó, các đơn vị chủ động đối phó, xử lý kịp thời, có hiệu quả với mọi diễn biến bất lợi của cơn bão số 3. Tổng Giám đốc, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội yêu cầu các xí nghiệp, đơn vị trực thuộc phân công, bố trí ứng trực 24/24h từ 17h ngày 1-8-2019 theo địa bàn được phân công cho đến khi có lệnh dừng trực.
Kiểm tra, chằng chống các cây lâu năm, cây quý hiếm trong các vườn hoa, công viên; gia cố cọc chống đối với các cây mới trồng, cây đang trong thời gian duy trì < 2 tuổi. Thường xuyên tuần đường để phát hiện kịp thời các cây nghiêng, bật gốc, sâu mục, nguy hiểm để có biện pháp xử lý kịp thời. Huy động toàn bộ các trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ phòng chống thiên tai, ứng trực sẵn sàng đáp ứng yêu cầu giải tỏa cây đổ, cành gãy.
Đặc biệt, Công ty cũng thành lập tổ cơ động để xử lý kịp thời ảnh hưởng có thể xảy ra do cơn bão số 3 gây ra. Tổ chức lực lượng thống kê cây đổ, cành gãy để xử lý kịp thời, có hiệu quả, giải phóng mặt bằng, thông đường nhanh, vệ sinh sạch sẽ.
Để triển khai ứng phó ảnh hưởng của cơn bão số 3, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội cũng yêu cầu các xí nghiệp, đội, phòng, ban nghiệp vụ của đơn vị tổ chức ứng trực 24/24h, sẵn sàng triển khai khi có lệnh.
Cụ thể, Trung tâm Giám sát hệ thống thoát nước, các phòng ban nghiệp vụ thường xuyên cập nhật, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, diễn biến lũ trên các sông; sẵn sàng nhận nhiệm vụ theo yêu cầu của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai thành phố, Sở Xây dựng, các quận, huyện và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai Công ty. Các đơn vị: Xí nghiệp quản lý cụm công trình đầu mối Yên Sở theo dõi mực nước trên sông Hồng, sông Nhuệ, chủ động vận hành trạm bơm Yên Sở, bảo đảm an toàn cho thiết bị.
Các Xí nghiệp, Đội duy trì thoát nước số 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 chủ động kiểm tra, rà soát địa bàn, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, sẵn sàng triển khai khi có lệnh. Đội Quản lý duy trì hồ điều tiết giữ mực nước các hồ theo đúng quy định; quản lý vận hành các cửa phai, trạm bơm theo đúng quy trình. Xí nghiệp thi công cơ giới xây lắp bảo đảm đầy đủ phương tiện, máy móc, thiết bị, nhân lực trong tình trạng sẵn sàng hoạt động khi có yêu cầu...
Bảo đảm an toàn cung cấp điện, an toàn đập, hồ chứa
Theo Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVN Hà Nội), để chủ động phòng chống, ứng phó kịp thời cơn bão số 3 sẽ ảnh hưởng trong thời gian tới, EVN Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trên địa bàn thành phố thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn cung cấp điện, an toàn đập, hồ chứa.
Theo đó, toàn bộ các công ty điện lực thống kê các trạm bơm tiêu ngập úng, kiểm tra củng cố các đường dây, trạm biến áp cấp điện cho các trạm bơm tiêu, bảo đảm công suất, nguồn dự phòng để các trạm bơm tiêu ngập úng sẵn sàng vận hành; thống kê các khu vực vùng thấp trũng, khi bão lụt có thể xảy ra úng ngập các thiết bị điện, hoặc gây sạt lở móng cột...
EVN Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng hệ thống lưới điện, kịp thời sửa chữa, khắc phục sự cố trong thời gian nhanh nhất; xử lý ngay những vị trí, các điểm không đạt tiêu chuẩn quy định về khoảng cách pha - đất của lưới điện, củng cố tiếp địa cao áp, hạ áp của cột điện, trạm điện... để bảo đảm an toàn cung cấp điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân ở tất cả các tình huống trong mùa mưa bão, ngập úng.
Hà Nội không xuất hiện điểm úng ngập
Báo cáo nhanh tại thời điểm 19h ngày 1-8 của Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn thành phố xảy ra mưa rải rác. Trên địa bàn thành phố không xuất hiện điểm úng ngập, giao thông đi lại bình thường.
Ông Lê Vũ Quảng Sương, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết, trước đó, đến thời điểm 16h ngày 1-8, đơn vị đã hoàn thành công tác tại hiện trường. Cụ thể, đã kiểm tra, dỡ bỏ các vật cản, công trình đang thi công làm ảnh hưởng đến dòng chảy, các cửa cống trên sông, mương tiêu để tăng cường khả năng tiêu thoát nước, như: Các công trình cống hóa trên mương Thụy Khuê, Ngọc Hà...; thu dọn các tấm chắn, vật cản, đặc biệt tại các trọng điểm úng ngập như: Tuyến Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Hoa Bằng, Trần Bình, Nguyễn Khuyến...; vận hành các trạm bơm, cửa phai để hạ mực nước trên hệ thống theo quy định.
Đơn vị cũng bố trí 100% lực lượng ứng trực với hơn 2.300 cán bộ, công nhân viên; 200 đầu xe máy, thiết bị cơ giới bảo đảm sẵn sàng hoạt động giải quyết thoát nước tại các vị trí được phân công và chủ động giải quyết các điểm phát sinh khi có yêu cầu. Các xe bơm di động, xe hút, téc đã sẵn sàng khi có mưa di chuyển đến các điểm ứng trực.
Ông Nguyễn Đức Mạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, từ 17h ngày 1-8, công tác ứng trực đã được đơn vị triển khai 24/24h. Đơn vị cũng thành lập tổ cơ động chủ động phòng, chống, ứng phó, xử lý kịp thời ảnh hưởng của cơn bão số 3. Đồng thời, huy động toàn bộ các trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ phòng chống thiên tai, ứng trực sẵn sàng xử lý kịp thời cây đổ, cành gãy, giải phóng mặt bằng, thông đường nhanh, vệ sinh sạch sẽ.
Mực nước trên các sông đều ở mức thấp, chưa đến ngưỡng báo động
Trong ngày 1-8, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại các quận, huyện, thị xã: Mỹ Đức, Chương Mỹ, Quốc Oai, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Sơn Tây…
Báo cáo với đoàn công tác, các địa phương cho biết đã ban hành công điện chỉ đạo các xã, phường, thị trấn; đồng thời, tổ chức kiểm tra các vị trí đê điều trọng điểm, xung yếu, công trình nhà ở xuống cấp, khu vực có nguy cơ xảy ra úng ngập; đôn đốc các địa phương chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố, thiên tai…
Các doanh nghiệp thủy lợi của thành phố huy động 100% lực lượng ứng trực, vận hành hệ thống tiêu thoát nước đệm nội đồng, hồ điều hòa; vận hành thử trạm bơm tiêu nước… 51 đơn vị quân đội hiệp đồng với các quận, huyện, thị xã đã huy động 100% lực lượng, phương tiện sẵn sàng triển khai phương án ứng phó sự cố, thiên tai…
Tính từ 7h đến 19h ngày 1-8, trên địa bàn thành phố đã xảy ra mưa to, lượng mưa lớn nhất tại trạm đo Yên Nghĩa (quận Hà Đông) 38,1mm; tại phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm) 37,2mm; tại xã Hải Bối (huyện Đông Anh) 36,7m… Mực nước trên các sông đi qua thành phố Hà Nội đều ở mức thấp, chưa đến ngưỡng báo động…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.