(HNMO) - Thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 15/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ... Trong đó, chỉ thị nhấn mạnh: Từ ngày 1-1-2021 không còn hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và rác thải khác không đúng quy định trên địa bàn thành phố.
Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (Sở Tài nguyên và Môi trường) Mai Trọng Thái xung quanh vấn đề này, đặc biệt trong bối cảnh tình trạng đốt rơm rạ lại tiếp tục diễn ra tại huyện Sóc Sơn.
- Trong những ngày vừa qua, tình trạng đốt rơm rạ lại diễn ra tại huyện Sóc Sơn. Từ thực tế này, ông có thể cho biết tầm quan trọng của việc triển khai thực hiện Chỉ thị 15/CT-UBND ngày 18-9-2020 của UBND thành phố Hà Nội về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác?
- Thời gian qua, hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng sau thu hoạch và chất thải rắn sinh hoạt diễn ra khá phổ biến tại các địa phương làm phát sinh khí CO2, CO3 và bụi mịn PM2.5... gây ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng môi trường, sức khỏe và hoạt động giao thông vận tải.
Để kiểm soát các hoạt động này, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã của thành phố cũng đã ban hành các văn bản pháp lý quy định việc xử lý phụ phẩm cây trồng, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong hoạt động trồng trọt... Tuy nhiên, công tác quản lý, giám sát tại các địa phương vẫn còn nhiều hạn chế do thiếu chế tài xử lý vi phạm đối với hoạt động đốt rơm rạ và phụ phẩm cây trồng sau thu hoạch.
Do đó, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 15/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định, từ đó, từng bước giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường.
- Vậy các sở, ngành và địa phương sẽ triển khai Chỉ thị 15/CT-UBND như thế nào, thưa ông?
- Xác định tầm quan trọng của Chỉ thị 15/CT-UBND nên UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành có liên quan, các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn cùng vào cuộc với quyết tâm cao nhất để chấm dứt việc đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và rác thải khác từ ngày 1-1-2021.
Trong đó, thành phố yêu cầu các sở, ngành tập trung tổ chức tuyên truyền về tác hại của việc đốt rơm rạ và phụ phẩm cây trồng, chất thải khác không đúng quy định; xây dựng và thực thi chính sách, giám sát trách nhiệm thực thi của chính quyền các cấp trên địa bàn thành phố; tập huấn cho các tổ chức chính trị - xã hội và người dân về phương pháp thu gom, xử lý, tái sử dụng rơm rạ và phụ phẩm cây trồng theo hướng thân thiện môi trường; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ phù hợp phục vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rơm rạ, phụ phẩm cây trồng hiệu quả.
Đồng thời, thành phố yêu cầu lực lượng công an các cấp kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm đối với những trường hợp đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng không đúng quy định của pháp luật.
Cùng với đó, UBND các quận, huyện và thị xã cần tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước trong hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Mặt khác, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND thành phố nếu để xảy ra tình trạng đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng, rác thải khác trên địa bàn sau ngày 1-1-2021.
UBND các xã, phường, thị trấn triển khai ngay công tác tuyên truyền tới từng hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp và giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch...
- Vậy, ông có thể cho biết lộ trình thực hiện từ nay đến cuối năm như thế nào?
Để thực hiện Chỉ thị này, thành phố yêu cầu các sở, ngành, địa phương ngay từ bây giờ xây dựng kế hoạch hành động cụ thể và triển khai theo lộ trình. Trước mắt, các địa phương đang bước vào thu hoạch lúa vụ mùa nên cần xây dựng hệ thống giám sát cộng đồng và hệ thống thông tin nhằm phát hiện, tố giác hành vi đốt rơm rạ trên địa bàn quản lý.
Từ ngày 30-9-2020, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền đến nhân dân các tổ dân phố, thôn, xóm, bản làng về chủ trương của thành phố trong việc thực hiện quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác theo quy định; đồng thời, đánh giá hiện trạng, xác định nguyên nhân đốt và giải pháp thực hiện nhằm kiểm soát tốt công tác quản lý rác thải và rơm rạ, phụ phẩm cây trồng.
Trước ngày 31-12-2020, các địa phương cần thực hiện các biện pháp hỗ trợ để người dân không đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng sau khi thu hoạch và chuyển sang các giải pháp xử lý khác thân thiện với môi trường và bảo đảm sức khỏe cộng đồng.
Từ ngày 1-1-2021 trở đi, các địa phương không để tình trạng đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải rắn thải sinh hoạt không đúng quy định trên địa bàn thành phố.
Với lộ trình thực hiện bài bản, sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và sự ủng hộ của người dân, tôi tin rằng Chỉ thị 15/CT-UBND sẽ đi vào cuộc sống và đạt được mục tiêu đề ra.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.