(HNM) - Tập trung kiểm soát tải trọng phương tiện ngay tại các đầu mối bốc xếp hàng hóa, nơi phát sinh nguồn hàng; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; nghiên cứu bố trí 15 trạm cân điện tử tự động tại các vị trí trọng yếu… Đây là những giải pháp đang được lực lượng chức năng của thành phố Hà Nội quyết liệt thực hiện nhằm giải quyết hiệu quả tình trạng xe quá tải gây mất an toàn giao thông, hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông...
Xử phạt 4.221 phương tiện chở quá tải
Ngày 5-9 vừa qua, trong quá trình tuần tra, kiểm soát trên tuyến đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông), Đội Thanh tra Giao thông - Vận tải đường bộ (Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) phát hiện xe tải mang biển kiểm soát 29C-720.95 có biểu hiện cơi nới thành thùng xe và chở quá tải nên đã ra hiệu lệnh dừng xe. Mất hơn 1 giờ đấu tranh, lái xe Lương Văn Hữu mới chịu ký biên bản thừa nhận hàng loạt vi phạm như: Chở vượt trọng tải trên 150%; xe không có phù hiệu; kích thước thành thùng không đúng thiết kế của nhà sản xuất; người điều khiển phương tiện không mang theo giấy phép lái xe… Với các lỗi trên, lái xe Lương Văn Hữu đã bị xử phạt 18,4 triệu đồng; chủ xe bị xử phạt 33 triệu đồng.
Đó chỉ là một trong số 4.221 phương tiện vi phạm chở quá tải đã bị lực lượng Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội xử lý từ đầu năm 2020 đến nay.
Nhiều lần theo chân lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, việc xử lý các phương tiện vi phạm chở quá tải không dễ dàng. Theo Phó Đội trưởng Đội Thanh tra Giao thông - Vận tải đường bộ (Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) Hà Sỹ Việt Bắc, nhiều doanh nghiệp vận tải, lái xe sử dụng hàng loạt thủ đoạn đối phó như: Hoạt động vào ban đêm; thuê người theo dõi, thông báo từ xa khi phát hiện lực lượng chức năng; lái xe tắt máy, khóa cửa xe bỏ đi khi bị yêu cầu kiểm tra… Thậm chí, đã có những đối tượng manh động tấn công lực lượng chức năng.
“Thực tế chỉ ra rằng, một số tuyến đường, cầu cống thường xuyên có xe quá tải hoạt động đã rất nhanh bị xuống cấp, hư hỏng. Không chỉ vậy, xe quá tải còn có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông, không bảo đảm vệ sinh môi trường. Do đó, dù gặp nhiều khó khăn khi làm nhiệm vụ, chúng tôi vẫn nỗ lực bám địa bàn, kịp thời xử lý vi phạm, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông”, ông Hà Sỹ Việt Bắc chia sẻ.
Ông Nguyễn Việt Đông (trú tại ngõ 683 đường Nguyễn Khoái, quận Hoàng Mai) phản ánh, tuyến đường đê Nguyễn Khoái đoạn từ Cảng Hà Nội tới Cảng Khuyến Lương nhiều năm nay tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông do đường hẹp lại nhiều xe tải trọng lớn hoạt động. Khu vực đường vào Cảng Khuyến Lương nhiều “ổ trâu”, “ổ gà” do bị xe quá tải cày nát. UBND quận Hoàng Mai đang triển khai dự án cải tạo mặt đường Nguyễn Khoái nhưng nếu không quản lý tốt thì xe quá tải sẽ lại sớm phá hỏng.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Đánh giá tình trạng xe quá tải trên địa bàn thành phố thời gian gần đây đã có chiều hướng giảm, song Chánh Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Trần Nhật Quang cho rằng, nếu lơi lỏng quản lý, kiểm soát, vấn nạn này rất dễ tái diễn. Vì vậy, Thanh tra Sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với lực lượng công an tập trung kiểm soát tải trọng phương tiện ngay tại các đầu mối bốc xếp hàng hóa, nơi phát sinh nguồn hàng; tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp xe cơi nới thành thùng, chở quá khổ, quá tải, xe chở đất đá, phế thải xây dựng để rơi vãi gây mất vệ sinh môi trường… Đồng thời, tăng cường giám sát việc thực hiện các nội dung cam kết của các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải cũng như các đầu mối bốc xếp hàng hóa trong việc chấp hành quy định về kiểm soát tải trọng phương tiện.
“Đặc biệt, chúng tôi yêu cầu các đơn vị chấp hành nghiêm kỷ cương hành chính, kỷ luật trong thực thi công vụ; không bao che, dung túng, bỏ qua vi phạm của các tổ chức, cá nhân”, ông Trần Nhật Quang thông tin.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, bên cạnh việc sử dụng cân xách tay và trạm cân di động trong tuần tra, kiểm soát, mới đây, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện đã đề xuất UBND thành phố Hà Nội lắp đặt 15 trạm cân tự động tại một số tuyến đường. Vị trí đầu tiên là đường Võ Văn Kiệt, huyện Đông Anh (đầu tầng 2 bờ Bắc cầu Thăng Long) để kiểm soát tải trọng xe trên tuyến đường Vành đai 3 và cầu Thăng Long. 14 vị trí còn lại cần được ưu tiên lắp đặt ngay là: Đường Tây Tựu (đường 70), đường Lĩnh Nam, quốc lộ 3, quốc lộ 2, quốc lộ 21, quốc lộ 21B, quốc lộ 32, quốc lộ 6, đường đi Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, quốc lộ 1A, đường 429, đường Hồ Chí Minh… Đây là các vị trí trong quá trình tuần tra, kiểm soát, Thanh tra Giao thông - Vận tải đã phát hiện nhiều trường hợp thay đổi kết cấu thành, thùng xe để chở quá tải dẫn đến tình trạng xuống cấp, hư hỏng kết cấu mặt đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông…
Hy vọng, với các giải pháp đồng bộ, cộng với sự quyết liệt trong phòng ngừa, xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng, vấn nạn xe quá tải trên địa bàn Thủ đô sẽ sớm được xử lý triệt để.
Trong 8 tháng năm 2020, Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã lập biên bản vi phạm hành chính 4.221 trường hợp chở quá tải, phạt tiền gần 6,4 tỷ đồng; tạm giữ 49 phương tiện; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 524 trường hợp; tước tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của 60 phương tiện...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.