(HNMO) - UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 1281/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án
Thu gom, phân loại và quản lý chất thải nguy hại tại Bệnh viện E Hà Nội. Ảnh: Dương Ngọc |
Theo đó, Đề án áp dụng cho các cơ sở khám chữa bệnh và cơ sở y tế dự phòng (trừ phòng khám bác sĩ gia đình; phòng chẩn trị y học cổ truyền; cơ sở dịch vụ đếm mạch, đo nhiệt độ, đo huyết áp; chăm sóc sức khỏe tại nhà; cơ sở dịch vụ hỗ trợ vận chuyển người bệnh trong nước và ra nước ngoài; cơ sở dịch vụ kính thuốc; bệnh xá; y tế cơ quan, đơn vị, tổ chức).
Đề án đánh giá thực trạng về tình hình phát sinh; hiện trạng phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại (rắn, lỏng) trên địa bàn thành phố; đề xuất các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm đảm bảo các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; đảm bảo kinh tế, hiệu quả và dễ quản lý theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Theo số liệu thống kê, tổng lượng chất thải y tế phát sinh trên địa bàn thành phố là khoảng 27.522 kg/ngày; trong đó chất thải y tế nguy hại khoảng 8.448 kg/ngày (chiếm khoảng 30%), chất thải rắn thông thường khoảng 19.074 kg/ngày. Dự báo đến năm 2020, khối lượng chất thải của các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố phát sinh trung bình khoảng 90 tấn/ngày; đến năm 2030 sẽ phát sinh khoảng 150 tấn/ngày.
Tại Hà Nội, chất thải rắn y tế nguy hại hiện đang được xử lý chủ yếu tại chỗ, xử lý theo cụm và xử lý tập trung; thu gom, xử lý 100% lượng chất thải nguy hại lây nhiễm thuộc khối công lập do thành phố quản lý, tương ứng 1,15 tấn/ngày theo đúng quy định.
31/2.956 cơ sở y tế tư nhân (đã được khảo sát, thống kê) đã ký hợp đồng thu gom, xử lý chất thải y tế nguy hại với đơn vị có đủ chức năng, với tổng khối lượng thu gom, xử lý là 901 kg/ngày. Một số cơ sở y tế đã, đang áp dụng mô hình xử lý tại chỗ theo công nghệ đốt và công nghệ không đốt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.