Môi trường

Hà Nội phải đặt trọng tâm vào việc giữ gìn và phát triển đất rừng

Bảo Hân 23/06/2024 - 20:10

Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) ngày 28-5, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Anh (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng Hà Nội phải đặt trọng tâm vào việc giữ gìn và phát triển hơn nữa diện tích đất rừng.

nguyenhai-anh.jpeg
Đại biểu Nguyễn Hải Anh tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) diễn ra chiều 28-5. Ảnh: Media.quochoi.vn

Thống nhất cao với nhiều nội dung trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình kỳ họp thứ bảy, đại biểu đóng góp thêm một số ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật.

Về quy hoạch xây dựng phát triển Thủ đô quy định tại Điều 17, đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ "môi trường sống trong lành" tại Khoản 1 và viết lại khoản này như sau: "Quy hoạch chung Thủ đô phải đảm bảo xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, môi trường sống trong lành, phát triển bền vững, nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân được sống trong môi trường xanh, sạch, thuần khiết, chất lượng với hệ sinh thái cân bằng, không có những sự cố môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng vào hoạt động thường ngày của người dân”.

Đồng thời, đề nghị bổ sung tại Khoản 1 Điều 28, quản lý và bảo vệ môi trường Thủ đô nguyên tắc xây dựng môi trường sống trong lành và các quy định về cơ chế thực hiện đảm bảo môi trường sống trong lành của Thủ đô được nghiêm túc thực thi.

Quan tâm tới thẩm quyền đầu tư quy định tại Điều 37, đại biểu đề nghị đặc biệt cân nhắc nội dung quy định tại Điểm a Khoản 2 quy định "HĐND thành phố quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công, dự án PPP đối với dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD, bao gồm cả trường hợp sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất từ 1.000ha trở lên, đất trồng lúa từ 500ha trở lên, di dân tái định cư từ 50.000 người trở lên.

Theo Quyết định số 2346/QĐ-UBND năm 2023 của UBND thành phố Hà Nội thì tổng diện tích có rừng và diện tích chưa thành rừng của Hà Nội năm 2022 chỉ có trên 27.000ha, trong đó diện tích có rừng là 18.577ha, với hơn hơn 7.500ha rừng tự nhiên và gần 11.000ha rừng trồng, diện tích chưa thành rừng của Hà Nội là 8.500ha.

Với thực trạng như vậy, tỷ lệ che phủ rừng của Hà Nội chỉ đạt 5,59%, thuộc nhóm những tỉnh, thành phố có tỷ lệ che phủ rừng thấp trong cả nước, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ che phủ bình quân của vùng Đồng bằng sông Hồng là 21,26%. Trên cơ sở đó, đại biểu cho rằng Hà Nội phải đặt trọng tâm vào việc giữ gìn và phát triển hơn nữa diện tích đất trồng rừng và coi việc nâng tỷ lệ che phủ rừng của Hà Nội là vấn đề sống còn, cốt lõi.

Đại biểu đề nghị hạn chế tối đa các dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất, đồng thời có giải pháp tăng thêm diện tích trồng cây xanh trong khu vực đô thị trung tâm thành phố. Trong trường hợp đặc biệt, cần thiết phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sản xuất, đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn, bổ sung cơ chế lấy ý kiến nhân dân và đề nghị quy định lại theo hướng quy định diện tích cận trên trên, diện tích tối đa và cần tính toán kỹ diện tích tối đa để bảo đảm sự phát triển bền vững chứ không quy định diện tích cận dưới và không khống chế diện tích tối đa như trong dự thảo luật.

Về phát triển văn hóa, thể thao, du lịch quy định tại Điều 21, đại biểu đề nghị làm rõ hơn các căn cứ để chỉ định cụ thể tại Khoản 6 Điều 21 việc thành phố Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội phải đặt trọng tâm vào việc giữ gìn và phát triển đất rừng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.