Nghị quyết và Cuộc sống

Hà Nội sẽ có bước phát triển đột phá với Luật Thủ đô (sửa đổi)

Tiến Thành 20/06/2024 10:20

Khẳng định dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã bảo đảm chất lượng, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phạm Văn Thịnh (đại biểu Quốc hội Đoàn Bắc Giang) tại phiên thảo luận ngày 28-5 vừa qua, nhận định, các cơ chế, chính sách sẽ giúp Thủ đô có bước phát triển đột phá.

phamvanthinh.jpg
Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn Bắc Giang). Ảnh: media.quochoi.vn.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với dự thảo luật và khẳng định, dự thảo đã được tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội một cách rất chất lượng. “Với các cơ chế, chính sách này, tôi nghĩ Thủ đô sẽ có một bước phát triển rất đột phá. Không chỉ có ý nghĩa riêng cho Thủ đô mà những cơ chế, chính sách này khi chúng ta nghiên cứu kỹ sẽ thấy được những kinh nghiệm cho các địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển của mình”, đại biểu nói.

Góp ý cho dự thảo Luật, về bảo vệ môi trường, đại biểu cho rằng, cần bổ sung quy định giao cho UBND thành phố Hà Nội quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của HĐND thành phố, tạo thuận lợi hơn cho địa phương. “Bởi vì thực tế thì có quy định thẩm quyền của Hà Nội được quyết định chủ trương đầu tư dự án lên đến khoảng 300ha đến 500ha”, đại biểu nói.

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Thịnh cho rằng, nếu như không quy định điều kiện này thì theo Luật Bảo vệ môi trường và các nghị định hướng dẫn hiện nay thì với dự án có chủ đích sử dụng đất từ 10ha đất lúa trở lên thì thẩm quyền đánh giá báo cáo tác động môi trường lại thuộc về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Điều này sẽ khiến thủ tục rất rườm rà, trong khi dự thảo Luật quy định phân cấp rất mạnh mẽ từ thẩm quyền, chủ trương đầu tư từ Thủ tướng đã xuống đến thành phố Hà Nội. Do đó, trong lĩnh vực môi trường, đại biểu cho rằng nên phân cấp thẩm quyền cho thành phố Hà Nội.

Khi xử lý chuyển tiếp có một điểm, đối với diện tích đất đã được đầu tư hạ tầng nhưng chưa cho thuê đất thì UBND thành phố Hà Nội thực hiện việc thu hồi đất và cho thuê đất trực tiếp với các nhà đầu tư. Đại biểu cho rằng, quy định như vậy sẽ dẫn đến hiểu nhầm rằng thành phố sẽ lại thu hồi đất của chính Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh cho rằng, nên sửa thành “đối với diện tích đã đầu tư hạ tầng tại các Khu công nghệ cao Hòa Lạc mà chưa cho thuê đất thì UBND thành phố Hà Nội thực hiện việc cho thuê đất đối với nhà đầu tư theo Luật Đất đai, quyền và lợi ích của các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng được bảo đảm theo giấy nhận đầu tư đã được cấp thẩm quyền cấp trước thời điểm luật này có hiệu lực”. “Quy định như vậy để tránh việc các nhà đầu tư hạ tầng ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc có thể bị ảnh hưởng về mặt quyền lợi”, đại biểu Phạm Văn Thịnh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội sẽ có bước phát triển đột phá với Luật Thủ đô (sửa đổi)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.