(HNMO) - Cùng với cả nước, Hà Nội đang phải đối diện với nhiều thách thức do tác động của dịch Covid-19. Trao đổi với Báo Hànộimới, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, thành phố đã và đang theo dõi sát sao tình hình, rà soát tất cả dư địa, động lực, nguồn lực, cũng như đôn đốc các sở, ngành, quận, huyện, động viên, hỗ trợ các doanh nghiệp chung sức vượt khó, duy trì đà tăng trưởng kinh tế ở mức tối đa.
- Xin ông cho biết những nét cơ bản về tình hình kinh tế Thủ đô trong quý I-2020?
- Trong quý đầu tiên của năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 3,72% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng vốn đầu tư xã hội tăng 5,2%; thu ngân sách đạt 71.383 tỷ đồng, bằng 25,6% dự toán, tăng 6,7% so với cùng kỳ. Có 6.350 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 103.000 tỷ đồng, tăng 1% về số lượng và 98% về vốn so với cùng kỳ. Đáng chú ý, bức tranh đăng ký doanh nghiệp của Hà Nội vẫn “sáng màu”, khi số doanh nghiệp ra đời nhiều hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Tuy nhiên, do sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19, hầu hết các chỉ tiêu tăng trưởng đều thấp hơn kế hoạch. Tình hình sản xuất, kinh doanh đã bộc lộ nhiều khó khăn, số doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động tăng 36% so với cùng kỳ; số lao động thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp là 13.215 người, tăng 22,2% so với cùng kỳ. So với cùng kỳ năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 2,744 tỷ USD, giảm 18,1%… Những số liệu này cho thấy, tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn và cần sự vào cuộc đồng bộ, với tinh thần cao nhất để khắc phục, vươn lên trong thời gian tới.
- Thành phố xác định dư địa nào là lớn nhất để duy trì sự tăng trưởng từ nay đến cuối năm, thưa ông?
- Thành phố đã tiến hành rà soát tất cả dư địa, động lực, nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới; trong tất cả các ngành, từ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp đến dịch vụ…Trong đó, đầu tư công, gắn liền với thúc đẩy tiến độ thi công các công trình, dự án để giải ngân, chính là dư địa và là động lực cho tăng trưởng của Thủ đô trong bối cảnh dịch Covid-19. Năm 2020, thành phố giao kế hoạch vốn cho đầu tư phát triển là 44.918 tỷ đồng, trong đó ngân sách cấp thành phố là 28.103 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện là 16.813 tỷ đồng. Riêng phân bổ cho các dự án đầu tư xây dựng cơ bản tập trung cấp thành phố gồm 207 dự án, trong đó có 123 dự án chuyển tiếp, chiếm 87% tổng số vốn cho các dự án xây dựng cơ bản tập trung của thành phố; còn lại 84 dự án mới chỉ chiếm 13% tổng số vốn.
Đến hết quý I-2020, tỷ lệ giải ngân đầu tư công toàn thành phố đạt 9,8% dự toán (cùng kỳ năm 2019 đạt 7,2%). Trong đó, các dự án dân sinh bức xúc, dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục, y tế trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 được đẩy nhanh tiến độ. Số dự án hoàn thành trong quý I-2020 là 25 dự án (chiếm 23% số dự án dự kiến hoàn thành theo kế hoạch đầu năm). Trong số 84 dự án mới, đến nay đã tổ chức đấu thầu và khởi công 30 dự án, còn 54 dự án tiếp tục được đấu thầu, khởi công trong các quý tiếp theo.
- Ông có thể cho biết những chỉ đạo cụ thể từ Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội để duy trì đà tăng trưởng của Thủ đô?
- Quan điểm chỉ đạo được đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nêu rõ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương ngày 10-4-2020 cũng như tại cuộc làm việc với Ban Cán sự đảng UBND thành phố mới đây là: Căn cứ tình hình diễn biến của dịch Covid-19, quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư phát triển, gồm cả ngân sách cấp thành phố và cấp quận, huyện. Theo đó, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ công tác đặc biệt để rà soát, tháo gỡ điểm nghẽn của từng dự án, đẩy nhanh tiến độ thực hiện; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng. Trong đó, đồng chí Chủ tịch UBND thành phố trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; các quận ủy, huyện ủy, thị ủy giao ban, kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng hằng tuần để đôn đốc, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nảy sinh.
HĐND thành phố tổ chức các kỳ họp bất thường xử lý những vấn đề phát sinh liên quan đến thực hiện kế hoạch đầu tư công để phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư, phê chuẩn các giải pháp tài chính đặc thù như sử dụng nguồn kết dư ngân sách, quỹ dự trữ tài chính… để bổ sung nguồn vốn cho đầu tư công. Thực hiện điều chỉnh, điều hòa đối với phần kế hoạch vốn đã giao năm 2020 để nâng cao tỷ lệ giải ngân, đáp ứng đủ vốn theo tiến độ cho các công trình có khả năng hấp thụ vốn tốt.
Bên cạnh đó, thành phố đẩy nhanh tiến độ các dự án khởi công, các dự án hoàn thành để chào mừng Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cũng như các dự án nông nghiệp, giáo dục, y tế, bảo đảm an sinh xã hội.
- Để bảo đảm thực hiện thành công mục tiêu đề ra, thành phố có kiến nghị gì về sự hỗ trợ từ Chính phủ, thưa ông?
- Thành phố đã kiến nghị với Chính phủ cho phép Hà Nội được áp dụng cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất như đối với thành phố Hồ Chí Minh tại Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 9-3-2020 của Chính phủ.
Đề nghị Chính phủ cho ứng vốn phát triển đất của các địa phương để thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án cấp bách, cần triển khai sớm đã có trong danh mục và được cân đối bố trí vốn trung hạn 2016-2020 ngay sau khi dự án được phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư (cơ chế này giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án từ 6 tháng đến 1 năm).
Cho phép rà soát, lựa chọn một số công trình cấp bách trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường, an sinh xã hội, xử lý ùn tắc giao thông để lựa chọn nhà đầu tư theo Điều 26 - Luật Đấu thầu. Kịp thời sửa đổi, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tại các văn bản pháp quy có liên quan đến đầu tư công, xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy…
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.