Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Hà Nội là...'' - những góc nhìn sáng tạo

An Định| 02/10/2021 05:14

(HNMCT) - Với tên gọi rất mở và có khả năng khơi gợi những góc nhìn đầy sáng tạo, cuộc thi vẽ minh họa “Hà Nội là...” đã mang đến những kết quả bất ngờ. Hà Nội hiện lên trẻ trung, sinh động với những cảm xúc riêng rất đáng quý qua nét vẽ của những người trẻ.

“Hà Nội rong” - tác phẩm đoạt giải Nhất của tác giả Đặng Tuấn.

Nhiều ý tưởng độc đáo

Bất ngờ và thú vị là cảm xúc của nhiều khán giả khi chiêm ngưỡng những tác phẩm đoạt giải cuộc thi vẽ minh họa "Hà Nội là..." do Chương trình Định cư Con người Liên hợp quốc (UN-Habitat) và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tổ chức với sự đồng hành của nhóm Vietnam Local Artist Group (VLAG). Cuộc thi vẽ “Hà Nội là...” kêu gọi các nghệ sĩ trẻ cùng thúc đẩy danh hiệu “Hà Nội - Thành phố sáng tạo” do UNESCO ghi danh năm 2019, bằng những tác phẩm minh họa về Hà Nội. Sau hơn một tháng phát động (từ ngày 6-8 đến 9-9), cuộc thi đã nhận được tác phẩm dự thi của gần 250 nghệ sĩ trẻ ở trong và ngoài nước, được thể hiện bằng nhiều chất liệu như vẽ kỹ thuật số (digital), lụa, cắt dán, sơn dầu, sơn mài...

Thật bất ngờ, với cách gợi mở “Hà Nội là...”, cuộc thi đã cho các tác giả thỏa sức “định nghĩa” về Hà Nội tùy theo ấn tượng, cảm xúc riêng, đôi khi chưa từng giống với những gì ta nghĩ. Tác giả Đặng Tuấn đã rất xuất sắc với tác phẩm “Hà Nội rong", cũng là tác phẩm đoạt giải nhất, khi gói trọn trên gánh hàng rong những biểu tượng của Hà Nội như Cột cờ, chùa Một Cột, Khuê Văn Các, chợ Đồng Xuân, những quán cà phê gác, những chiếc xích lô... Người gánh giống như một cô rô bốt với gương mặt hiền và chiếc nón lá quen thuộc, “đòn gánh” là cây cầu Long Biên, bên vai còn lại là Tháp Rùa, tăng thêm tính biểu tượng cho tác phẩm. Chính vì vậy, “Hà Nội rong” được đánh giá là “tráng lệ đến mộc mạc”. “Đầu óc trên mây” cũng là một tác phẩm thú vị với nhiều chi tiết mang tính biểu tượng của tác giả Mạnh Hiếu. Tác phẩm mô tả một con rùa bay, cõng trên lưng một khu tập thể cũ. Mạnh Hiếu chia sẻ: “Ý tưởng này xuất hiện trong đầu mình từ năm ngoái, một phần bởi mình bị ấn tượng trước vẻ đẹp của những khu nhà tập thể cũ. Mình cũng lấy cảm hứng từ bộ phim “Howl’s moving castle” và gần đây nhất là bộ “Hà Nội Punk” của anh Tú Na”.

Ngoài những tác phẩm về biểu tượng Thủ đô, những điểm check-in quen thuộc với du khách, đặc biệt là giới trẻ, nhiều tác phẩm mang đến ấn tượng rất khác về Hà Nội. Đó có thể là ấn tượng về chuyến xe buýt trong tác phẩm “Hà Nội là hành trình” của Ngô Thị Linh Chi; là những quán trà đá, quán ăn hè phố trong tác phẩm “Bệt” của Vương Hồng Thảo; là chiếc ghế nhựa dùng làm bàn của quán trà đá trong tác phẩm của Nguyễn Phương Thảo; hay đơn giản là những loại ghế mà người Hà Nội quen dùng trong tranh của Hoàng Long Anh...

Hà Nội của riêng...

Qua “Hà Nội là...”, có thể thấy cách “định nghĩa” về Hà Nội của những bạn trẻ chưa từng đặt chân đến mảnh đất này. Đây là điều khá thú vị, khác với các cuộc thi trước đây, khi rất nhiều bạn trẻ cho biết họ không hoặc có rất ít thời gian thực tế gắn bó với Hà Nội.

Trần Phát, tác giả của bức tranh đoạt giải nhì “Hanoi by night” chia sẻ: “Em chưa từng ra Hà Nội. Tất cả những gì em biết về Hà Nội đều qua màn hình vào buổi tối trước khi ngủ. Em theo dõi các bạn, các anh chị trên mạng xã hội và hình dung về Hà Nội theo những câu chuyện của họ. Có thể những gì em thể hiện không thực sự giống với Hà Nội trong thực tế nhưng đó là Hà Nội trong em”. Tiến Dũng, tác giả bức “Hà Nội là gì ta” là người Nha Trang; Trần Trúc Thảo, tác giả “Sáng trong” sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh; Nguyễn Lê Duy Phúc, tác giả “Vùng đất truyền thuyết”... cũng chưa một lần đặt chân đến Hà Nội nhưng các tác giả trẻ này cũng có tác phẩm nằm trong danh sách “Tác phẩm nổi bật” của cuộc thi.

Là một trong những họa sĩ gặt hái nhiều thành công với đề tài Hà Nội, họa sĩ Nguyễn Trường Linh, Trưởng khoa Mỹ thuật Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Hà Nội, trưởng nhóm Họa sĩ Sơn ta Việt Nam nhận xét: “Trong cuộc thi, đa số tác phẩm là của các tác giả trẻ. Họ có thể đã sống ở Hà Nội hoặc mới biết Hà Nội qua truyền thông, nhưng tất cả đều yêu Hà Nội. Các tác phẩm sử dụng ngôn ngữ tạo hình khác nhau, đa số dùng kỹ thuật tạo hình mới trên các nền tảng công nghệ số nhưng ta vẫn nhận ra một Hà Nội văn hiến, hào hoa. Có thể, với một vài tác phẩm, tôi chưa đồng ý với cách lựa chọn của ban giám khảo, và hơi tiếc khi thiếu mảng đề tài về lịch sử Hà Nội - đây cũng là mảng đề tài thiếu và yếu trong nhiều cuộc thi, nhưng tôi vẫn cảm nhận được tình cảm chân thành của các tác giả truyền tải qua tác phẩm. Tôi hy vọng sẽ có nhiều cuộc thi như thế này, giúp cho thế hệ trẻ thêm tự hào về Hà Nội ngàn năm văn hiến, cũng là giúp họ có thêm kiến thức về Hà Nội trên con đường sáng tạo".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
''Hà Nội là...'' - những góc nhìn sáng tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.