(HNM) - Nhằm chấn chỉnh công tác thu - chi đầu năm học 2013-2014, Sở GD-ĐT Hà Nội đã thành lập 20 đoàn thanh tra, kiểm tra tại các nhà trường trong tháng 9. Động thái ấy của ngành liệu có làm cho công tác thu - chi đi vào nền nếp, đúng quy định?
Các em học sinh luôn cần được tạo điều kiện thuận lợi nhất để học tập và phát triển toàn diện. Ảnh: Nhật Nam |
- Hiện nay, hầu hết các trường chưa tổ chức họp phụ huynh để phổ biến về các khoản thu đầu năm, việc Hà Nội thành lập các đoàn thanh, kiểm tra về thu - chi vào thời điểm này liệu có hiệu quả không, thưa bà?
- Rút kinh nghiệm từ các năm trước, năm nay Sở GD-ĐT đã có văn bản hướng dẫn về công tác thu - chi từ rất sớm, trong đó khẳng định vẫn giữ nguyên mức học phí như đã thực hiện từ năm học 2012-2013. Đối với các khoản thu khác, trong khi chưa có văn bản chỉ đạo của UBND TP Hà Nội thì các nhà trường vẫn thực hiện theo văn bản hướng dẫn tạm thời do Sở GD-ĐT ban hành và áp dụng từ năm học trước. Sở GD-ĐT đã họp với Trưởng phòng GD-ĐT của 29 quận, huyện, thị xã để phổ biến cụ thể về vấn đề này, yêu cầu các nhà trường ký cam kết thực hiện thu - chi theo đúng quy định, tuyệt đối không thu sai, nếu vi phạm sẽ phải chịu kỷ luật nặng. Đến thời điểm này, báo cáo của các phòng GD-ĐT cho thấy 100% số trường trên địa bàn đã ký cam kết thực thi đúng quy định.
Với những phần việc đã triển khai, theo tôi, việc tiến hành thanh - kiểm tra vào thời điểm này là cần thiết nhằm đôn đốc, nhắc nhở các nhà trường thực hiện đúng quy định đã ban hành, ngăn chặn kịp thời các sai phạm có thể xảy ra. So với năm trước, thời gian kiểm tra năm nay dài hơn, đến ngày 25-9, nếu cần thiết thì sẽ kiểm tra đột xuất.
- Công tác kiểm tra sẽ tập trung vào những nội dung gì và tiến hành ra sao để tránh sự đối phó của các nhà trường?
- Nội dung kiểm tra sẽ tập trung vào các khoản thu tự nguyện và thỏa thuận tại các nhà trường để tránh tình trạng lợi dụng danh nghĩa tự nguyện hoặc thỏa thuận để lạm thu, không thực hiện đúng quy trình, quy định. Nhằm tạo thêm kênh giám sát từ phía phụ huynh và dư luận xã hội, Sở GD - ĐT đã yêu cầu các đơn vị công khai rộng rãi các văn bản quản lý và gửi tới ban đại diện cha mẹ học sinh (HS). Đầu tuần qua, tại cuộc họp về tình hình triển khai nhiệm vụ năm học mới, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đã nhấn mạnh yêu cầu quản lý công tác thu - chi đầu năm học và cho biết, ngay trong tuần này sẽ ban hành quy định về việc thực hiện các khoản thu khác ngoài học phí, tạo thuận lợi cho các trường triển khai, tạo căn cứ để xử lý sai phạm.
- Được biết, năm nào Hà Nội cũng tổ chức kiểm tra việc thực hiện công tác thu - chi, song kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Ngành GD-ĐT có giải pháp nào để khắc phục tình trạng này?
- Năm trước Hà Nội chỉ có 6 đoàn kiểm tra, năm nay thành lập tới 20 đoàn nhằm bảo đảm sự giám sát khắp địa bàn. Cả 20 đoàn đều có cán bộ phụ trách công tác tài chính để kiểm tra sổ sách liên quan, kịp thời hướng dẫn về chuyên môn. Hình thức kiểm tra tại các đơn vị là đột xuất. Tại thời điểm kiểm tra, các đoàn sẽ đề nghị ban đại diện cha mẹ HS có mặt để giới thiệu tinh thần chỉ đạo về thu - chi, và cũng là để nghe họ trình bày về cách thức triển khai. Ngoài việc kiểm tra hồ sơ, giấy tờ, đoàn kiểm tra cũng sẽ phỏng vấn đột xuất giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, đại diện phụ huynh và HS.
- Trong bối cảnh hiện nay, hiệu trưởng nhiều trường khá e dè khi phổ biến các khoản thu ngoài học phí. Thậm chí có nơi dự kiến “không thu, để không bị lạm thu”. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?
- Tôi hoàn toàn phản đối việc quá tả hoặc quá hữu. Thực tế cho thấy sự hỗ trợ của phụ huynh trong suốt những năm qua đã giúp cho điều kiện dạy - học ở các nhà trường được cải thiện rõ rệt, góp phần làm tăng chất lượng giáo dục. Nếu thực hiện xã hội hóa đúng quy trình và công khai, minh bạch, tôi tin rằng không có người dân nào phản đối việc chung tay cùng ngành GD- ĐT tạo môi trường giáo dục lành mạnh, chất lượng cho con em mình. Việc triển khai ra sao thuộc trách nhiệm của hiệu trưởng. Theo tôi, với trách nhiệm, lương tâm của người đứng đầu một nhà trường, ai cũng sẽ cố gắng để thực thi nhiệm vụ hiệu quả nhất, đem lại nhiều lợi ích cho học trò của mình, và đặc biệt là không lẫn lộn giữa việc lạm thu với chủ trương xã hội hóa giáo dục.
- Với những giải pháp như trên, tình trạng lạm thu liệu có được khắc phục triệt để hay không, thưa bà?
- Năm nay, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đã quán triệt yêu cầu, nhiệm vụ chấn chỉnh tình trạng lạm thu tại các nhà trường, nếu phát hiện sai phạm thì phải xử lý thật nặng để làm gương cho các đơn vị khác. Năm nay, ngành GD-ĐT kiên quyết nói không với lạm thu và vì vậy, khác với các năm trước, việc xử lý trường hợp thu sai không chỉ là yêu cầu nhà trường trả lại tiền cho phụ huynh và phê bình, nhắc nhở rút kinh nghiệm, mà sẽ áp dụng hình thức kỷ luật nặng với cá nhân vi phạm và những người liên đới trách nhiệm. Tôi tin rằng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp quản lý, tình trạng lạm thu sẽ nhanh chóng chấm dứt.
- Xin cảm ơn bà!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.